Danh Sách Tổng HợpKhông có phản hồi

Top 10 Câu chuyện hay về tình yêu tuổi học trò

Hồi ức mùa hè

“Này, cậu ơi! Ngủ à?”

Một tên con trai dí sát mặt cậu vào mặt tôi, theo quán tính, tôi bật ra sau, ấp úng. “Cậu… cậu là ai?”

“Tớ là người ngồi sau lưng cậu đấy. Bạn cùng lớp sao cậu có thể vô tâm như thế được chứ.” Cậu bạn thở dài thườn thượt.

Tôi gục gặc đầu. Trong lớp tôi không kết thân với ai, lầm lũi đến trường rồi lại lầm lũi về nhà. Mối bận tâm duy nhất của tôi chỉ có sách vở và những kỳ thi.

“Này, không phải là cậu không biết tên tớ luôn hả?” Cậu chống hai tay xuống bàn, trừng trừng mắt nhìn tôi.

Tôi gãi trán, cười khì đánh trống lảng. “Mà cậu kiếm tớ có gì không?”

“Xuống căn tin cùng tớ đi.”

Tôi chưa kịp phản ứng gì thì cậu nắm cổ tay tôi, lôi đi. Học chung với nhau gần ba năm nhưng tôi thực sự không nhớ tên cậu đến khi cậu giận dỗi nhắc lại mình tên Hải Nguyên thì tôi mới ồ lên, cười trừ thay cho lời xin lỗi. Chiều hôm đó lớp tôi học ngoại khoá chỉ hai tiết, xong có thể về hoặc ở lại tham gia câu lạc bộ khiêu vũ hoặc thể thao. Tôi không có hứng thú với mấy thứ đó càng không muốn về nhà giữa trời nắng nên tôi ngồi lì trong lớp, sau đó thì bị Hải Nguyên kéo tay đến căng tin. Lần đầu tiên cậu mời tôi trà sữa. Hôm ấy chúng tôi nói rất nhiều chuyện nhưng bây giờ thì tôi đã quên hết rồi.

Hải Nguyên bảo tôi dạy kèm ngoại ngữ cho cậu vì tôi khá về môn này. Cũng chẳng khó nhọc mấy nên tôi nhận lời. Trong những buổi học thêm, tôi nhớ Hải Nguyên từng nói rất muốn cùng tôi tới một thành phố học đại học đến khi tôi nói thật à thì cậu lại lặng thinh.

Rất lâu sau, tôi hỏi Hải Nguyên câu hỏi mà tôi thắc mắc bấy lâu nay.

“Tại sao hôm ấy lại mời tớ trà sữa?”

Cậu đáp ngay. “Vì tớ thấy cậu thường mua trà sữa sau mỗi tiết học nên tớ đoán là cậu rất thích uống trà sữa.”

Trong thâm tâm cậu, có thật lòng muốn đi uống trà sữa cùng tớ không? Tôi không nói ra.

Cơn gió mùa hè thổi qua ngọn núi cao, qua biển cả, qua những toà nhà cao tầng. Cơn gió ngang qua phòng tôi rồi đi mất nhưng kịp để lại chút mát lành cho căn phòng nhỏ.

Mười giờ tối, tôi vừa nghe radio vừa ôn bài cho kỳ thi sắp tới.

Như những buổi tối khác, chúng ta lại gặp nhau trên sóng phát thanh. Hãy kể tôi nghe câu chuyện của bạn đi nào. Bạn có bỏ lỡ cuộc hẹn nào với người bạn thích không?

Xen lẫn trong giọng đọc của cô phát thanh trên đài là tin nhắn đến từ Hải Nguyên.

Từ vựng nhiều quá, mệt thật đấy.

Cậu có muốn thi đỗ không?

Tớ học tiếp đây. Cậu đừng thức khuya quá nhé. Ngủ ngon!

Tôi chụp lại màn hình tin nhắn đó làm kỷ niệm.

Cậu bảo tôi ngủ sớm nhưng bản thân cậu lại thức đến một, hai giờ sáng. Tiếng bíp điện thoại làm tôi thức giấc.

Mai tớ sẽ đem bữa sáng cho cậu, bánh mì phô mai và trà sữa nhé!

Sáng hôm sau, Hải Nguyên tới lớp muộn. Mãi đến bảy rưỡi cậu mới rón rén vào lớp bằng cửa sau, mắt thâm quầng. Cậu dúi vào tay tôi bữa sáng nhưng tại sao cậu lại biết món ăn khoái khẩu của tôi là bánh mì phô mai. Tôi chỉ tự vấn mình thôi chứ không gặng hỏi cậu. Có lẽ cậu vì bữa sáng này mà tới lớp trễ chăng?

Hết gặp mặt ở trường, ở lớp học thêm rồi phụ đạo cho cậu môn tiếng Anh nên thời gian chúng tôi bên nhau rất nhiều.

Cơn gió thổi qua hẻm vắng, thổi mãi vẫn không đuổi kịp bóng hình còn vương lại của người.

Ngày thi cuối, Hải Nguyên hẹn gặp tôi ở con đường nhỏ sau trường nhưng cậu đã quên. Lúc đó tôi nghĩ rằng thi xong có lẽ cậu rất mệt nên đã quên cuộc hẹn do chính mình đề nghị. Tôi cũng không bận lòng và thông cảm cho cậu dù sao thì tương lai vẫn còn dài ở phía trước.

Mười một giờ bốn lăm phút tối đó, cậu ghi âm giọng nói của mình với câu Ngủ ngon nhé và gửi sang tôi. Cứ thế, tối nào tôi cũng mở lên nghe, có cảm tưởng như nghe chính miệng cậu chúc tôi vậy.

Tôi không hề biết những suy nghĩ trong cậu, thật lòng hay giả dối nhưng quãng thời gian vừa qua, những gì mà cậu làm cho tôi khiến tôi vô cùng cảm động. Trái tim tôi đập lệch nhịp vì cậu. Cảm giác này giống như nhai trong miệng viên kẹo dẻo ngọt lịm.

***

Năm giờ ba mươi phút chiều, buổi học sau cùng.

“Cậu có tin không, trên đời này sẽ có người thích cậu mặc kệ cậu có bao nhiêu khuyết điểm, lúc cậu đang cô đơn ở một nơi lạnh giá nào đấy, bị ướt mưa hay đắm chìm trong đau khổ thì cậu nhất định phải mạnh mẽ để vượt qua sự hỗn loạn của thế giới.”

Hải Nguyên luôn nói những điều khó hiểu như vậy.

Cuối cùng chúng tôi cũng có một cuộc hẹn đúng nghĩa trước khi bước vào đời.

Ba giờ chiều ngày chủ nhật, tôi đến điểm hẹn. Tình cờ khi cả hai mặc màu áo giống nhau. Tôi hỏi cậu đi đâu thì cậu lấy ra từ trong túi áo một chiếc hộp gỗ nhỏ bảo là quà sinh nhật cho tôi.

“Làm sao cậu biết sinh nhật tớ?” Tôi nhận lấy món quà, thắc mắc.

“Chỉ… tại tớ hay để ý thôi.” Cậu cười xuề xoà.

Hôm đó chúng tôi chẳng đi đâu chơi cả, chỉ ngồi ở bờ hồ đài phun nước ăn kem. Hoá ra cậu hẹn tôi chủ yếu là chúc mừng sinh nhật tôi.

Hải Nguyên không phải là học sinh nổi bật trong lớp cũng chẳng quá điển trai để các cô gái viết thư tỏ tình nhưng nơi nào cậu đi qua, mọi người luôn hướng mắt nhìn về nơi ấy bởi vì cậu là chàng trai tốt bụng, sống tình cảm và mang trong mình trái tim tràn đầy nhiệt huyết. Chẳng biết từ bao giờ tôi bắt đầu nghĩ về cậu, tìm hiểu cậu. Hải Nguyên-cậu ấy-giống như một đứa trẻ cố chấp, một ngọn lửa đốt cháy hy vọng, làm sáng bừng lên ý chí sau đó cậu sẽ mệt mỏi và ngủ thiếp đi.

Tôi cảm thấy cuộc sống không quá nhàm chán nữa, có chút vui và sống động, có chút phiền não và hoan lạc. Tất cả những cảm xúc đều đến với nhau làm cho thế giới của tôi thú vị và đa sắc màu hơn.

Nhưng mùa hè ngắn ngủi, đều tại tôi không kịp học cách dũng cảm để tiếc nuối trở thành nuối tiếc, để tôi và cậu cách biệt từ đây.

Vào ngày tốt nghiệp, tôi không thấy Hải Nguyên đâu hết. Tôi cũng đã gọi điện cho cậu nhưng máy cứ bận hoài. Lúc tôi bước xuống từ bục nhận thưởng, cô bạn lớp phó đưa cho tôi bức thư bảo là của Hải Nguyên gửi. Lá thư ấy, cậu viết.

Khi cậu mở bức thư này thì tớ đang ở trên máy bay. Xin lỗi vì đã không nói gì mà ra đi đột ngột như vậy. Tớ sợ nếu nói ra vào thời điểm ấy sẽ làm cậu phân tâm. Thế nên, tớ quyết định đợi kỳ thi tốt nghiệp qua đi tớ mới nói. Tớ cùng gia đình đến một xứ sở khác, sinh sống và học tập ở đó. Điều này đã được định sẵn khi tớ 16 tuổi, vào cuối năm lớp mười nhưng vì cậu tớ đã xin phép ba mẹ cho tớ ở lại học cùng cậu hết ba năm học. Tớ luôn để ý đến cô bạn ngồi trước mình. Cô bạn ấy khá trầm. Nhiều lần tớ muốn chủ động bắt chuyện nhưng dường như xung quanh cậu có một bức rào chắn vô hình ngăn tớ tiến vào hoặc cũng có thể tớ thiếu dũng khí. Ngày nối ngày trôi đi. Ngày xa nhau cận kề mà tớ vẫn chưa nói một câu làm quen. Tớ muốn trước khi rời khỏi nơi đây có thể cùng cậu tạo ra thật nhiều hồi ức đẹp. Tớ đã làm được rồi, đúng không? Đôi khi nhớ lại khoảng thời gian tươi vui ấy, tớ thấy hạnh phúc và đôi khi cũng cảm thấy thất vọng. Trên con đường đời có không ít chông chênh, kẻ tốt người xấu, mưa rơi vào buổi sáng sớm hay ấm áp mặt trời vào lúc hoàng hôn… tất cả cấu thành nên cuộc sống của chúng ta. Cậu hãy nhớ rằng phải mạnh mẽ vượt qua đám đông hỗn loạn của thế giới. Tớ không chắc ngày nào mình trở về. Vậy nên tớ cảm ơn những điều tốt đẹp và cả những điều không tốt đẹp. Cảm ơn những năm qua cậu đã xuất hiện ở đây. Nếu có ngày chúng ta tương phùng, tớ hy vọng tớ và cậu sẽ mặc bộ đồng phục màu xanh năm ấy, cùng nhau xuống căn tin, cùng nhau ôn lại bài học cũ. Tớ rất vui vì cậu đã dành thời gian bên tớ. Thật ra, ngày đầu gặp cậu, tớ đã có cảm giác đặc biệt với cậu rồi. May mắn nhất, là người cậu thích cũng thích lại cậu. Tạm biệt.

Nắng ngoài cửa sổ chói chang, lá thư trên tay tôi vì cơn gió thoảng qua mà nhẹ nhàng lay động. Thanh xuân của chúng ta vì một câu tạm biệt mà trôi đi hết sao? Không đâu. Dù cho không gặp lại nhau đi chăng nữa, nếu bản thân vẫn như thuở ấy, mềm mỏng nhưng tràn đầy nhiệt huyết thì dù bão tố hay nắng cháy, tôi tin sẽ có ngày chúng tôi cùng nhau tạo nên thật nhiều kỳ tích, mang tuổi trẻ năm ấy hoá thành hồi ức đẹp nhất.

Tình yêu đầu tiên

Học cấp 3, nàng ngồi bên cạnh. Xinh đẹp tựa một bông cẩm chướng. Tôi thì rõ ràng không phải tả, nhàm chán.

Nàng tuyệt đối cá tính, cười tươi như nắng sớm, là tâm điểm của lớp. Tôi thì rõ ràng vẫn không cần phải tả: chậm chạp, ít nói, và chỉ thích chơi điện tử – thuộc thể loại đi cũng được, nghỉ cũng chẳng thiếu.

Cùng share nhau một cái bàn, nàng chẳng cần vạch phấn chia bờ như những lũ dở khác: tôi đơn giản, tôi nhường. Nàng thích thế nào tôi cũng chiều theo, chấp nhận. Nàng khoái lắm, cười tươi như ánh mặt trời.

Nửa năm cuối của lớp 11, tôi trở thành người đưa thư cho nàng, thư chuyền tay tíu tít đến, số thư nàng nhận được trong thời gian ấy có khi tổng hợp lại phải đóng được thành cuốn tiểu thuyết cỡ vừa. Tôi âm thầm giao thư cho nàng, nàng đọc, cười khoe những chiếc răng trắng đều tăm tắp, thỉnh thoảng dúi cho tôi đọc vài bức, mắt nàng long lanh.

Một ngày nàng hỏi: “này ông, tôi có xênh (xinh, nói kiểu đài các) không?”
“Xênh” – mắt tôi vẫn dúi vào cuốn sách
“Xênh mà trả lời không thèm nhìn à?” – nàng cau có
“Thì ngày nào mà chẳng nhìn, vẫn thế có gì thay đổi đâu” – tôi gập sách lại
“Thế có bao giờ ông để ý tôi không?” – Nàng chớp chớp mắt.
“Có” “Thỉnh thoảng” – Tôi cười
“Để ý thế nào?”
“Xem che chắn có kỹ không lúc kiểm tra chứ bàn mình góc này dễ lộ quá” – Tôi cười, vén môi xòe răng.
“Chán lắm, chẳng thèm nói nữa – Nàng bĩu môi.
“Ờ thì thôi, mà có thư này” – Tôi dúi thư cho nàng, tiện thể cho nàng một mẩu Chocolate.
“Ơ…, ở đâu ra thế? Tặng Valentine à?” – mắt nàng long lanh
“Bố đi công tác về cho đấy, thấy để trong tủ lạnh ăn không hết, 2 đứa chia ra ăn cho đỡ phí, giờ Lý đổi chỗ cái nhé” – tôi thật thà.
“Điên chưa!” – nàng đánh bộp cái vào lưng tôi – “Hôm nay Valentine đấy đồ dở, tặng Chocolate là có tình ý!”
“Thế thôi nhè lại ra đây đi, thảo nào mấy cái thằng gửi thư hôm nay nó cứ thập thò bảo phải đưa tận tay, hóa ra nó sợ mình ăn Chocolate, nhè ra đây” – Tôi chìa tay ra trước mặt nàng.
“Hâm thật, ăn rồi, coi như nhận lời!” – Nàng nói, đỏ mặt rồi ào đi như một cơn gió.
“Ô, hóa ra con gái chỉ cần sô cô la hoặc đồ ăn bất kỳ, là có thể bảo nó đổi chỗ được, cũng dễ sống” – Tôi nghĩ bụng, tiết Lý nhờ ông Đức Ngơ lên ngồi cạnh kiểm tra cho an tâm.

Tan trường, tôi dắt xe đạp chuẩn bị về, các nam thanh nữ tú của trường xe pháo xênh xang, cười nói ồn ào, huyên náo một góc phố. Tự nhiên thấy nàng gọi: “ông ơi cho đi nhờ về cái!”
“Xe máy đâu, bị thu phỏng?” – tôi ngạc nhiên
“Sáng xịt lốp nhờ bố đèo đi học.” – Nàng nhìn tôi
“Mà bà thiếu gì đứa nó muốn chở, ra kia túc tắc cũng phải có dăm anh chờ kìa, đi xe máy có sướng hơn không tôi đèo kẽo kẹt còn lâu mới về đến nhà”
“Không chở thì thôi, đây không cần!” – nàng quay phắt đi.
“Ầy, thôi lên tôi đèo nào, sao hôm nay khó tính thế nhỉ?” – tôi lật đật dắt con xe cà khổ chạy theo.
Nàng cứ bước lững thững như thế, mới đầu tôi còn đạp theo, nhưng xe đạp thì nhanh còn người đi thì chậm, sau tôi nhảy xuống dắt bộ theo nàng. Nghĩ cảnh ấy mà ở thời bây giờ, công nhận là khó kiếm, vì dắt xe máy, hay đẩy ô tô thì nặng phải biết. Tôi chịu. Tôi cứ lật đật đi thế một đoạn, thì nàng quay ra, nhảy tót lên xe. “Đi, đồ ngốc, đồ hâm, đi chơi!”
Tôi im lặng lọc cọc đèo nàng khắp các con phố, tháng 2 vẫn lạnh se sắt, đi qua Bờ Hồ, gió thổi một đợt, nàng co lại phía sau. Xong nàng hỏi : “Có lạnh không?”
“Không, đang rèn thể lực thế này lạnh gì” – tôi thủng thẳng – “không tin lên đèo này”
“Ôi, sao có người ngốc đến vậy chứ…” – Nàng thở dài.
Tôi tạt vào vỉa hè, cởi bớt cái áo khoác ngoài đưa cho nàng “Này mặc vào, tôi đèo không thấy lạnh thật. Mà bà cũng lạ, cứ thời trang làm gì, lạnh như thế này! Khoác tạm đi, vừa giặt xong không hôi đâu.” – Thế là nàng mặc, giọng véo von “Ấm thế”
Tôi gò lưng đạp, nàng cứ đằng sau líu lo hết chuyện này đến chuyện khác. Đường xa hóa gần, cuối cùng cũng về đến cửa nhà nàng. “Trả cái áo để đi về nào bà”
“Sao bảo không lạnh?” – Nàng nhìn chằm chằm tôi, tự nhiên chạm ánh mắt nàng lúc ấy, tôi thấy gai người, một cảm giác thật lạ.
“Giờ có đèo ai đâu mà chẳng lạnh” – Tôi cúi mặt, tránh cái nhìn của nàng.
“Không trả, hôm nay tịch thu, mai đến đón thì trả” Nàng cười, chưa lúc nào tôi thấy nàng xinh đẹp như vậy.
“Cái gì? Chiều về đi sửa xe đi mai mà đi học, không bà vào dắt xe ra đây tôi mang đi sửa cho” tôi rất sốt sắng, như mọi ngày.
“Không! Kệ nó, cho nó hỏng, ko việc gì phải sửa! Mai ông có đón không, không thì đừng mơ lấy áo, mà không đón tôi mai đi bộ” – Nàng kiên quyết
“Ờ rồi, được, đón thì đón, mai đón, cùng lắm dậy sớm tý. Mai nhé. Gọi điện 2 tiếng chuông dập máy là tôi từ nhà đi. Tôi sợ bố bà lắm.”
Tôi lục đục chuẩn bị về.
“Đợi tý, xòe tay ra đây” – Nàng cười.
Tôi đưa tay ra, nàng để vào một viên Chocolate. “Bóc ra ăn trước mặt tôi xem nào” – Nàng nói.
“Đã ăn gì đâu mà bắt ăn Chocolate, để về rồi ăn” – Tôi nhăn mặt.
“Không được, phải ăn trước mặt… em” Nàng nói như sắp khóc.
“Cái gì đấy?” – Tôi giật mình.
“Ăn đi, bóc ra ăn trước mặt tôi rồi hẵng về, không về lại vứt xó!”
Tôi bóc, ăn ngon lành, dù sao cũng đang rất đói. “Hê hê, ngon, thế thôi về nhé, mai như hẹn sẽ đến đón, nhớ mang ÁO” – tôi vẫn rất sợ mất áo.
“Từ từ đã, quà này” – Nàng rút trong cặp ra một cuốn sách.
“Uầy, được đấy nhờ, biết thế tôi chăm đèo bà về hơn, vừa được ăn vừa được gói mang về! Thank you thank you” Tôi mân mê cuốn sách.
Bỗng nhiên nàng tiến đến gần, rất nhanh hôn tôi một cái. Tôi giật nảy mình. Cả người như có dòng điện chạy qua. Nàng chạy nhanh vào nhà. Tôi sững sờ mất một lúc, đưa tay sờ lên môi như chưa hiểu điều gì xảy ra. Trên suốt con đường ngày hôm đó. Tôi vẫn không thể hiểu nổi những gì đang xảy ra. Tối hôm đó, trước khi đi ngủ tôi lật cuốn sách nàng tặng, bỗng rơi ra một phong thư. Tôi giở thư ra đọc, nàng viết:
“Điên! Anh đúng là người Ngốc nhất mà em từng biết. Em yêu anh. Cảm ơn anh luôn chăm sóc em trong suốt thời gian qua. Cảm ơn anh đã cầm hộ em cặp, xếp hàng mua hộ em bánh mỳ giờ ra chơi, dắt xe cho em ở lớp học thêm, chuyển thư cho em, cóp bài và nhận tội thay em. Em không biết một ngày mình sẽ ra sao nếu như anh không ở bên cạnh. Em chỉ biết rằng em sẽ buồn lắm nếu như anh không xuất hiện trong cuộc đời này.Yêu anh. Happy Valentine.p/s: Mai đừng đến đón muộn”
Tôi như ngộp thở. Cả đêm hôm ấy tôi không tài nào ngủ được, tôi cứ thức mãi nhìn cái đồng hồ khốn nạn nơi đầu giường vật vờ trôi. Chúng nó – kim giây kim phút trêu ngươi tôi, thi nhau xem ai đi chậm nhất. Chưa hôm nào tôi mong trời sáng mau đến vậy. 6h sáng tôi đã có mặt ở nhà nàng, quên mất cả việc 2 hồi chuông rồi dập máy. Tôi đợi đến 45 phút trước cửa nhà nàng thì thấy nàng bước ra. Đó là lần đầu tiên tôi thấy nàng đẹp rạng rỡ đến như vậy. Nàng cười. Nhảy tót lên xe: “Đi thôi”. Đạp đến bờ Hồ, gió sớm thổi rét run cầm cập. Nàng hỏi:
“Có lạnh không?”
“Có, hôm nay rét hơn hôm qua, không hiểu sao” Tôi nói, răng va vào nhau vì lạnh.
“Có thế chứ, đồ ngốc!” Nàng vòng tay ôm lấy tôi thật chặt, ấm sực. Cái ôm đầu tiên trong đời. Tình yêu đầu tiên mà tôi biết tới…….

Lơ đãng tuổi thanh xuân

Chuyến đi Tây Bắc hôm ấy, lớp 10A3 tập hợp nguyên lớp. Bốn năm rồi, cả lớp hiếm hoi lắm mới có một dịp gặp mặt gọi là đông đủ thế này. Họp nhau ở Công viên Thống Nhất, cả lũ chia nhau xế với ôm, như một sự sắp đặt sẵn, Khiêm là xế, còn ôm của xế Khiêm còn ai khác ngoài Phương nữa.

Thành hắng giọng, rồi rút điện thoại ra, lên Google Map rồi chỉ chỉ:

– Giờ lộ tuyến là đi lên Phú Thọ đền Hùng, rồi lên Hà Giang ngắm tam giác mạch, sau phượt sang Lào Cai tán gái bản, rồi xuống Hòa Bình ăn cá suối, với cá sông Đà. Tầm ba đêm bốn ngày nhá các con Giời!

Cả đám hú hét ầm cả công viên rồi, nhanh chóng phóng xe như bay, Khiêm không hiểu được sao cái lũ này đi hứng bụi mà lại kích thích thế, nhưng hắn thì chỉ sướng âm ỉ vì sau tay lái hắn là Phương. Suốt chặng đường hắn cũng chả biết hắn nói gì mới Phương nữa, cảm giác của hắn rất là phiêu. Phượt, hắn bắt đầu thích phượt rồi đấy, nhưng ôm của hắn phải là Phương.

Cả đám vung vẩy đi khắp Tây Bắc, hoa tam giác mạch mùa này nở rộ, Hà Giang đẹp kinh khủng. Màu hoa trắng pha thêm tím hồng như được rải khắp sườn đồi, Khiêm nuốt nước bọt rồi gật gù, không phải hắn yêu hoa, hắn chỉ nghĩ đến cái bánh mạch hấp vừa mới ăn ở chợ phiên lúc sớm. “Chỗ này mà làm bánh thì…”

Cả đám thăm dinh thự họ Vương, rồi trèo lên những mỏm đá tai mèo, chụp choẹt đủ thứ, rồi đưa nhau đi khắp Hà Giang.

Tối đấy cả đám xuống đến Lào Cai, mệt phờ, cắm trai qua quýt rồi đốt lửa trại, ma xui quỷ khiến thế nào mà Khiêm xơi tận nửa lít táo mèo. Mặt đỏ bừng bừng, hắn cầm ngay tay Phương rồi hét toáng lên:

– Phương ơi tớ thích cậu lâu lắm rồi, làm bạn gái tớ…

Phương thì không uống rượu, nhưng mặt lúc đấy cũng đỏ bừng lên, sau đấy thì, Khiêm không nhớ rõ nữa, chỉ biết khi về Hà Nội thì hai người là một đôi.

Sau chuyến đi phượt đấy, hai con người với hai tính cách khác nhau, vì tình cờ hay do sắp đặt mà đến với nhau, đang yêu. Những cặp đôi trẻ tuổi chưa từng yêu một lần, thường gặp những rắc rối đến khó hiểu, Phương giận Khiêm liên tục bằng những cái lý do trời ơi đất hỡi gì đó, kiểu như:
“Em mặc bộ này đẹp không” – “Không, nhìn già lắm” Giận!
“Sáng nay anh nói chuyện với con nào thế?” – “Hỏi đường ấy mà!” Lại giận!
Muôn chuyện hầm bà lằng nào đổ ập xuống, ba năm yêu nhau, đôi trẻ giận nhau cả trăm lần, giận thì giận nhưng dài thì vài ngày, tuần lễ, còn ngắn thì vài tiếng, chả giận nhau được lâu. Thu theo gió thổi đến, Trung Thu năm nay, Phương hẹn Khiêm cùng đi Royal chơi, đáp lại lời nhắn của Phương chỉ là đôi lời ngắn ngủi: – Anh bận.
Hai từ như lưỡi dao xoáy vào tim Phương, Khiêm từ lúc nào lại bận như thế, cô đã từng rất bận, nhưng lại dành từng chút thời gian để gặp Khiêm cho kì được, còn Khiêm thì… Đành rằng Khiêm chăm chỉ làm việc còn hơn chán chường như trước, nhưng Phương cảm thấy Khiêm ngày càng thay đổi, ngày càng cách xa mình. Khiêm dường như không phải Khiêm mà cô quen nữa.
Gạt vội dòng nước mắt, Phương nhắn vội cho Khiêm tin nhắn “Em mệt rồi, chia tay đi!” Những tưởng Khiêm sẽ nhắn lại thì sau đó là một chuỗi yên lặng kéo dài, không cuộc gọi, không tin nhắn, không một lời nào từ Khiêm dành cho cô cả.

Khiêm thở hắt ra, cuối cùng cũng xong được cái dự án này, hắn mệt mỏi gần chết. Ba tuần từ khi chia tay Phương, hắn vùi đầu vào công việc, để quên hết đi, nhưng hình như chuyện này hơi khó.
“Hôm nay nên ra ngoài một tí vậy!”
Nhảy tót lên xe, hắn ra Bờ Hồ, rồi lượn vào phố Cổ, Khiêm vô thức không nhận ra hắn đang đi lại từng nơi mà hắn và Phương cùng đi chơi. Hắn dừng xe lại, đi bộ vào từng góc phố ngả màu rêu, vừa đi hắn vừa ngắm nhìn khắp xung quanh, hắn thích nhìn từng góc phố, từng con đường, chỗ nào trong mắt Khiêm cũng có hình bóng của Phương.
Chỗ quán bún Ốc ngõ Đồng Xuân mà Phương hay bắt Khiêm đưa vào ăn đêm.
Mùi bún chả đậm đà ở Hàng Mành Phương rất thích.
Hay bàn tay đầy mùi xả mỗi khi Phương kéo Khiêm vào hàng ốc phố Đinh Liệt.
Tất cả cứ quấy lại trong đầu Khiêm, không thể tan được, dòng ký ức đặc lại, khiến Khiêm thẫn thờ.
Rồi hắn bỗng nghe có tiếng lộc cộc của đôi guốc gỗ, cái tiếng thân quen của các cụ già Hà thành. Khiêm quay đầu lại nhìn, một đôi vợ chồng già lão đang dìu nhau đi từng bước, ông móm mém cười hồn hậu rồi nhìn bà.
– Giờ già rồi, thấy cái gì cũng khác! Ngày xưa Hà Nội không đẹp bằng, không nhiều xe, tôi lai bà đi khắp Hà Nội nhỉ, giờ chật quá, lại yếu rồi, tôi dắt bà đi thôi…
-Gớm, bằng này tuổi đầu! Xe cộ gì, ông đi bên tôi là được rồi. Có ông là tôi vui rồi!

Khiêm yên lặng, rồi hắn chạy vội đi, chạy mãi cũng hết phố đi bộ, rồi ra chỗ để xe, vừa thở dốc Khiêm vừa chìa ngay cái vé xe ra, gấp gáp.
– Cho em xin cái xe, tiền anh cứ giữ ạ! Em gấp lắm rồi!
Nói tức thì hắn nhảy lên xe phóng đi để mặc chú bảo vệ mặt ngơ ngác cầm tờ tiền xanh loét.
Khiêm đến nhà Phương.

Tháng năm không ở lại

Thời học sinh là quãng thời gian mà tình yêu bay bổng, thăng hoa, là khoảng khắc của những mối tình đẹp đẽ và trong sáng nhất. Nhưng đó cũng là lúc ta ngây ngô, vụng dại nhất. Tại sao những mối tình đẹp cứ đến vào lúc ta chưa biết cách đón nhận để rồi vô tình ta gạt bỏ khỏi cuộc sống của mình những tình cảm đẹp đẽ biết bao.

Bạn đã từng thử cảm giác ấy chưa? Còn tôi thì đã từng như vậy đấy. Bước chân vào lớp 10, một mối tình đầu tiên đến từ cậu bạn cùng lớp. Tôi đã nhanh chóng gạt tình cảm của cậu sang một bên theo cái cách ngu ngốc nhất. Để đến bây giờ, tình bạn, tình yêu tất cả đều tan biến không dấu vết.

Hồi ấy, khi mới bước chân vào trung học, tôi cũng giống nhiều bạn gái khác, cũng thích được để ý, cũng thích được quan tâm và nghe một cậu con trai kể mấy câu chuyện phiếm. Và mọi chuyện bắt đầu khi Tuấn – cậu bạn ngồi cùng dãy, cách tôi tới hai bàn, ngỏ lời nói thương tôi. Lúc ấy, tôi cũng thấy vui. Không vui sao được khi lần đầu được nghe một lời tỏ tình, mà người ấy lại là một cậu trai khá nổi trong lớp chọn ban A nữa chứ.

Kể từ hôm đó, ngày nào cũng vậy, trước khi đi học tôi đều tự tạo cho mình một tư thế đủ để nổi bật giữa đám đông và luôn tự trả lời những câu hỏi đại loại như Hôm nay mình sẽ nói những gì? Làm gì? Vào lúc nào? Thừa nhận rằng tôi không thích Tuấn nhưng không hiểu tại sao tôi lại không thể từ chối cậu một cách thẳng thắn, mà sự thật là tôi cũng không hề nhận lời làm bạn gái của cậu. Phải chăng đó là hệ lụy của tính sĩ diện không nên có. Một khi bạn có trong tay một món đồ đẹp, mọi người chú ý đến bạn vì món đồ đó, liệu bạn có chịu bỏ món đồ ấy đi chỉ vì nghĩ nó không thuộc về mình? Nếu trả lời là có thì bạn đã chiến thắng tính ích kỉ của bản thân , còn nếu nói không thì bạn sẽ phải trải qua những gì mà tôi đã trải qua.

Mỗi giờ ra chơi, Tuấn thường lên chỗ tôi ngồi và nói vài câu chuyện vu vơ, có những câu chuyện lặp lại tới vài lần. Những lúc ấy tôi làm bộ không để ý, sách vở vẫn để đầy trên mặt bàn và dán mắt vào đấy nhưng đôi tai thì vẫn chăm chú lắng nghe. Rồi khi mấy đứa bạn trêu trọc, tôi giãy nảy lên và tỏ ra căm ghét những câu nói đùa ấy. Nhiều lần Tuấn có hỏi về tình cảm của tôi thì tôi chỉ nói chung chung rằng có những thứ mà người ta khó có thể xác định được ngay, rằng hãy cho tôi thêm thời gian suy nghĩ.

Vậy mà một tháng sau, tôi nhận được lời tỏ tình thứ hai. Đó là Cường – một hotboy của khối. Cậu học khác lớp và tôi biết đến cậu như một hình mẫu của biết bao nữ sinh trong trường. Phải, lúc đó tôi đã chấp nhận tình cảm của Cường. Tôi không mảy may nghĩ đến Tuấn, hình ảnh cậu vốn dĩ chỉ hiện lên trong đầu tôi mỗi khi đến lớp thì giờ đây nó hoàn toàn biến mất. Tôi cũng không dám chắc mình có thích Cường không, chỉ biết tôi thấy hạnh phúc khi ở bên cậu, được thấy đám con gái lớp khác xì xào, ghen tị. Chúng tôi không đợi nhau trước cổng trường khi tan học và cũng không nói chuyện mỗi 10′ ra chơi. Chúng tôi chat trên facebook vào mỗi tối và đi chơi trong thành phố mỗi chiều chủ nhật. Cũng có những phút giây được coi là ngọt ngào nhưng cũng có những lúc giận hờn. Chẳng lâu sau đó, mà tôi cũng không nhớ chính xác là bao lâu nữa, chỉ biết rằng Cường lảng tránh tôi, những cuộc trò chuyện thưa dần rồi mất hẳn và không có thêm cuộc di chơi riêng nào nữa.

Tôi nhớ cái buổi tối mà Cường nói chia tay, tôi đã khóc. Tôi cũng không rõ lí do vì sao mình khóc. Lúc ấy tôi đã nhớ đến Tuấn, phải chăng là nuối tiếc cho một sự lựa chọn sai lầm. Có lẽ tôi chưa yêu theo đúng nghĩa. Tôi không hẳn vì thích Cường mà nhận lời làm bạn gái cậu. Tại sao ta cứ cố gắng mua cho bằng được một món đồ chơi đang hot trong khi biết bản thân chẳng bao giờ hứng thú. Nếu bản thân ta là chỉ là một cá thể nhàm chán tôn thờ lối sống giả tạo thì những gì đến cũng chỉ là dối trá mà thôi. Đến lúc này tôi mới nhận ra mình đã sai. Thôi thì hãy một lần biết đau để không bao giờ phải đau như vậy nữa. Hãy coi sự xuất hiện của Cường như một lời cảnh báo cho cái tính ích kỉ và sĩ diện quá đáng của tôi. Đã đến lúc phải sống khác, tôi nghĩ vậy.

Nhưng có lẽ tôi đã lầm. Những gì tôi đã làm là quá khứ, và một khi đã trở thành quá khứ thì không bao giờ và không gì xóa nổi. Tôi đã không quan tâm, không hề nghĩ đến Tuấn và không hề nhận ra kể từ khi tôi và Cường thành một cặp thì cậu không còn nói chuyện, không còn lên chỗ tôi vào mỗi giờ ra chơi nữa. Tôi đã không cho cậu một câu trả lời dứt khoát. Giá mà lúc đó tôi nói với Tuấn rằng “chúng mình là bạn”. Nhưng muộn còn hơn không, tôi đã cố gắng hàn gắn lại tình bạn ấy. Tôi luôn là người chủ động bắt chuyện và trêu đùa nhưng dường như với cậu, đối diện với tôi thật khó khăn. Tuấn không hề nói chuyện hay thậm chí là trả lời câu hỏi của tôi. Tôi có cảm giác mình như một con ngốc. Thừa nhận rằng tính sĩ diện và lòng tự tôn của bọn con trai cao thật cao nhưng không phải vì thế mà tôi phải cầu xin cậu tha thứ. Tôi cũng có lòng tự trọng, vả lại giữa chúng tôi cũng chưa có gì rõ ràng cả.

Khi ta đóng đinh lên một tấm gỗ, dù ta có lấy chiếc đinh ra thì tấm gỗ kia cũng chẳng thể nào lành lặn lại. Biết là thế nhưng đã chót làm rồi, thì đâu thể thay đổi được. Vậy là theo một cái cách ngu ngốc nhất, tôi đánh mất một người bạn. Thời gian lại trôi đi, vào giữa học kì hai của lớp 11, Tuấn và một bạn nữ trong lớp trở thành một cặp, tôi cũng có một mối tình mới. Và giữa chúng tôi vẫn là những khoảng cách.

Tôi lên lớp 12, căng thẳng, lo âu và đầy áp lực. Buổi học cuối cùng đến thật nhanh. Như một mô tuýp quen thuộc, mấy đứa con gái thút thít khóc, đám con trai thì ngồi im lặng mỗi đứa một góc, không khí trong lớp buồn thật buồn. Tôi ra đứng ngoài hành lang yên tĩnh, tôi không khóc và cố gắng không khóc. Tại sao lại khóc khi bạn bè vẫn ở quanh ta? Ba năm ngây ngô, ba năm với biết bao kỉ niệm buồn vui, ta được thật nhiều, vui nhiều nhưng cũng buồn thật nhiều.

Rời xa mái trường, tôi bước chân vào giảng đường đại học. Lần đầu tiên, tôi trở lại trường họp lớp, sự thay đổi của đám bạn không nhiều, chúng vẫn vậy chỉ có điều lớp A3 giờ đây không được đầy đủ mà thôi. Và tôi gặp Tuấn, chúng tôi, tất cả chúng tôi đến đây với tư cách là những người bạn, khi tôi bắt gặp cậu ở cửa lớp:

– Tuấn à! – Tôi mỉm cười chào cậu.

– Ừ, đến sớm nhỉ? – Nói rồi cậu bước nhanh vào lớp.

Đoạn hội thoại ngắn ngủi đầu tiên kể từ lần cuối cùng chúng tôi còn có thể nói chuyện. Và suốt buổi họp, chúng tôi chẳng nói thêm câu nào nữa. Thật ra cả hai chúng tôi đều biết rằng những chuyện trong quá khứ đã qua rất lâu rồi, chúng không đáng phải nhắc lại nhưng cũng thật khó để quên đi. Kết thúc buổi họp lớp, khi mỗi đứa một nơi, tôi lần về nhà trong tâm trạng bất ổn. Giá như ngày ấy tôi suy nghĩ chín chắn hơn, giá như lúc đó tôi không vô tâm thì ngày hôm nay tôi đã có thêm một người bạn. Phải chăng khi con người ta mắc sai lầm thì không thể nào sửa chữa được hay sao? Khép lại rồi những tháng ngày năm ấy, có thể tôi không quên được nhưng chắc chắn một điều tôi sẽ không để nó xảy ra thêm lần nữa.

Thời gian là vô hạn nhưng đời người là hữu hạn và những gì đang diễn ra chỉ là khoảnh khắc. Tháng năm tuần hoàn nhưng nó có bao giờ ở lại? Hãy sống sao cho hôm nay không phải nuối tiếc về hôm qua.

Đồ hâm! Tớ chỉ cần cậu bên cạnh tớ

Mai thò đầu ngó vào shop quần áo trên con phố quen thuộc ấy, nó nhìn quanh với vẻ mặt vui tươi hớn hở, miệng toe toét chào chị chủ cửa hàng rõ to. Thế nhưng chưa vui được bao lâu, mặt nó đã méo xệch trong khi chị chủ vẫn đon đả:

– Còn nhiều mẫu mà em! Tại lâu không thấy em nên chị lỡ bán cho người khác mất rồi.

– Dạ…Thế thôi. Em chào chị ạ!

Mai thở dài rồi bước ra, trời bên ngoài lạnh buốt, trước khi ra khỏi cửa mẹ đã quàng bao nhiêu áo ấm, nào khăn, nào mũ lên người nó nhưng lúc này nó vẫn thấy hơi lạnh và hụt hẫng. Nó tự thốt lên trong lòng: “Rút cục thì mình vẫn là Bù Nhìn”…

Dũng đẹp trai, cao… rất cao, học giỏi… rất giỏi, “hot”… vô cùng “hot”. Còn Mai thì bình thường đến nỗi… quá đỗi là bình thường, nó không xinh xắn, học cũng chỉ nằm ở ‘top” giữa, lại thêm cả cái biệt danh “cold girl’ lạnh lùng trong lớp nữa chứ. Thế mà nó với Dũng, trời đất xui xủi thế nào lại thành một đôi? Kể cũng kì lạ cho những ngày mới vào cấp 3 ấy…

Thầy xếp cho Mai ngồi cạnh Dũng, chỗ của Mai bao nhiêu cô bạn trong lớp ao ước còn Mai thì chẳng thấy thoải mái tí nào. Giờ ra chơi nó muốn yên tĩnh thì toàn bị phá bĩnh bởi những “hot girls” trong lớp cứ xuống đấy tán gẫu với cậu bạn ngồi cạnh; mà chả hiểu Dũng nói chuyện kiểu gì cơ, Mai đã không nghe thì thôi chứ ngồi nghe lỏm thì chỉ thấy muốn cười lăn ra.

Lại có một lần thầy trả bài kiểm tra toán đầu năm (cái môn mà Mai ghét nhất quả đất!), Dũng được 10 còn Mai chỉ được có 4, nó đã buồn lắm rồi, ngại lắm rồi mà chả hiểu Dũng tự cho mình quyền gì giật lấy bài của Mai, mắng Mai trình bày hậu đậu, cẩu thả.

Mai bực lắm, hôm sau nó gặp riêng xin thầy chuyển chỗ thì Dũng từ đâu bước tới lại chen vào: “Xin thầy đừng chuyển chỗ để em tiện giúp bạn ấy học ạ. Nhất định bài kiểm tra sau bạn ấy sẽ được 8 trở lên”. Thầy gật gù đồng ý còn Mai thì trừng mắt nhìn Dũng, Dũng cứ tỉnh bơ rồi còn cười toe toét như trêu ngươi con bé.

Mai bắt đầu bị bước vào chế độ rèn luyện mà nó cảm thấy như một hình thức tra tấn mới. Rõ ràng Dũng chỉ hứa với thầy giúp Mai học tập thế mà ngay cả những thói quen thường ngày của con bé, Dũng cũng tự lãnh quyền chấn chỉnh, đảo lộn tùng phèo cuộc sống của Mai. Sáng 5 giờ điện thoại đã reo í éo bắt nó dậy chạy bộ, có hôm Mai bực mình tắt máy thì Dũng đến tận nhà gọi rõ to, Mai lại phải lồm cồm bò dậy. Tra tấn xong bằng bài thể dục lại còn lên hẳn lịch sinh hoạt như bảo mẫu của Mai vậy. Nào là đến bến xe bus tới trường thì phải đợi Dũng mới được đi (vô lí – mà hầu như toàn Dũng đợi Mai thôi); sáng, trưa, tối phải ăn thế này thế nọ; nào là phải học từ mấy giờ đến mấy giờ, nào là không được đi chơi chiều thứ 2, 4, 6 để Dũng còn đến kèm cặp, vân vân và vân vân… Hic.

Kể ra chế độ ấy khủng khiếp thật nhưng cũng khiến Mai tiến bộ nhiều lắm, điểm kiểm tra của nó cứ tăng dần dần rồi ổn định hơn. Giờ bài nào mà được dưới 7 là cũng bị Dũng mắng té tát, rồi moi móc hết những bất cẩn của Mai. Năm nay đã là năm cuối cấp, Dũng càng khắt khe với Mai nhưng cũng khiến thói quen sinh hoạt của nó trở lên điều độ hơn, nó cảm thấy khỏe khoắn, có sức sống, yêu đời và yêu… Dũng hơn.

Tụi nó trở thành một đôi (đũa lệch) từ những ngày tháng “tra tấn dã man” như vậy đấy. Ở cạnh Dũng con bé thấy ấm áp nhưng nhiều khi cảm thấy tự ti, áp lực lắm. Dũng hơn Mai nhiều mà lại còn chẳng bao giờ khen con bé được một câu dù nó đã rất cố gắng, đã thế còn chê nó là Bù Nhìn xấu xí nữa chứ. Người ta bảo khi có tình cảm thì thấy đối phương là đẹp nhất cơ mà? Mai thấy Dũng đẹp thật nhưng sao Dũng lại thấy Mai xấu xí cơ chứ? Hơn nữa trong sách lịch sử chẳng nói những ông vua bù nhìn là những ông vua không có giá trị quyền lực sao? Chẳng lẽ Mai ngốc nghếch, vô dụng sao?

Trời đông rõ là lạnh! Đầu mùa mẹ đã mua cho Mai kha khá áo rét nhưng không được style cho lắm, nhà con bé không giàu có gì nên đồ của nó cũng rất bình thường. Hay vì thế mà Dũng chê nó là Bù Nhìn nhỉ? Nó muốn có chiếc áo măng-tô ấm áp giống của cô bạn Trang cùng lớp, chiếc áo khoác dài đến đầu gối trông xinh xắn lắm, mặc vào trông Trang hệt như một nàng búp bê đáng yêu, Trang có tình cảm với Dũng… Nó biết và nó cũng sợ Dũng sẽ thích Búp Bê mà không thích Bù Nhìn nữa.

– Nhìn Trang mặc áo ấy xinh thật Dũng nhỉ?

Mai buột miệng hỏi Dũng một câu có vẻ ngớ ngẩn khi 2 đứa đang trên đường về. Dũng tỉnh queo.

– Ừ! Xinh như Búp Bê ấy, đâu giống Bù Nhìn như cậu.

– Này! – Mai gắt – Thế cậu là gì mà lại thích thân với Bù Nhìn hả? Sao không thân với Búp Bê đi?

– Ơ! Thế cậu không biết tớ là một Ruộng Ngô xanh tốt, rất cần Bù Nhìn bảo vệ để thoát khỏi sự nhăm nhe của các cô bạn xinh đẹp hả? Búp Bê vốn xinh đẹp nên không thể giúp tớ được điều này.

– Hứ! Đồ đểu! Đồ kiêu ngạo, cô bạn xinh đẹp nào thèm cậu cơ chứ, chỉ có tớ thương cậu bơ vơ nên mới chơi với cậu thôi. Mà tớ sẽ không làm Bù Nhìn nữa đâu, tớ sẽ làm Búp Bê cho cậu xem!

Lời thách thức ấy được đặt ra cách đây đúng 3 tuần, hôm sau Mai đi tìm ở khắp các shop chiếc áo măng-tô đẹp như Búp Bê; và ở cửa hàng này, nó dán mắt vào chiếc áo trắng đang khoác trên mình manơcanh, chiếc áo thậm chí còn đẹp hơn cả của Trang nữa. Con bé quyết tâm mua cho bằng được nhưng lại quá đắt so với những gì nó có, tới tận 700K. Vòi vĩnh mãi mẹ mới “trợ cấp” 200K cộng với số tiền tiết kiệm được thì nó vẫn thiếu 300K nữa. May mắn, Mai tìm được việc gia sư cho một thằng nhóc lớp 6 môn tiếng Anh, ước chừng chỉ cần làm việc chăm chỉ 2 tuần là sẽ đủ tiền để… trở thành Búp Bê…

Mai đã lỡ mấy buổi hẹn đi chơi và lên thư viện đọc sách cùng Dũng để giấu cậu bạn đi dạy thêm, số tiền kiếm được ngày càng khá hơn. Mai hay đi qua cửa hàng, ngắm chiếc áo đẹp đẽ và yên tâm khi thấy cô nàng manơcanh vẫn mặc nó. Dự liệu đủ số tiền, trước đó một tuần Mai đã dặn kĩ chị chủ shop: “Chị đừng bán cho ai chị nhé, nhất định em sẽ mua chiếc áo đó!”.

Chiều thứ hai hôm nay, như thường lệ thì Mai sẽ phải ở nhà đợi Dũng đến để cùng học bài, nhưng con bé đã tự phá luật do “bảo mẫu” đề ra. Nó hí hửng khi gom đủ 700k đến cửa hàng mua chiếc áo mơ ước, không quên tắt điện thoại sợ bảo mẫu lại mắng là vô ý thức. Nhưng cuối cùng chiếc áo đẹp đẽ ấy cũng đã có người mua mất rồi, rút cục Mai vẫn chỉ là Bù Nhìn.

5.00 PM. Mai đã đạp khá lâu, nó dựng xe và đứng ngắm nhìn, gió từ sông thổi vào lạnh buốt cả tâm hồn nó. Chỉ là một cái áo thôi mà sao nó thấy buồn rười rượi. Bãi nổi dưới chân cầu Long Biên là cả một cánh đồng ngô xanh mướt và hiện lên khung cảnh đẹp đẽ ấy là những con bù nhìn xấu xí. Chán quá! Tại sao Bù Nhìn lại lôi thôi, xấu tệ như thế cơ chứ? Mai nghĩ một lúc rồi mở điện thoại, 23 cuộc gọi nhỡ từ “Ruộng Ngô”.

– Sao lại tắt máy? Ai cho cậu đi lung tung mà không có tớ hả?

Tiếng của Dũng quát lên đáng sợ qua điện thoại.

Mai nghe tiếng quát mà nước mắt của nó cứ trào ra, không ngăn đươc.

– Tớ… tớ xin lỗi… tớ đã cố gắng… Nhưng tớ vẫn mãi chỉ là Bù Nhìn, tớ vẫn không thể trở thành Búp Bê.

– Đồ hâm! Tớ cần cậu ở bên tớ chứ có cần cậu biến thành Búp Bê gì đâu hả? Giờ cậu đang ở đâu?

– Nơi rất nhiều Bù Nhìn giống tớ… – Con bé vừa nói vừa nấc lên.

Dũng đạp xe thật nhanh, mặc kệ cho gió đông vô tình táp vào mặt lạnh buốt. Cầu Long Biên hiện lên trong buổi chiều thật đẹp, đẹp hơn khi Dũng biết có cô bạn Bù Nhìn đang đứng trên đó nhìn xuống dưới những bãi ngô xanh mởn có những chú bù nhìn và thẩn thơ.

– Đồ Bù Nhìn ngốc nghếch!

– Này! Đừng có gọi tớ là thế nữa! Tớ ghét! – Mai gắt lên, vừa nói vừa gạt nước mắt.

Dũng lại tiếp tục làm cho Mai thấy bực hơn.

– Ghét thì đã sao cơ chứ! Cậu vốn là Bù Nhìn mà… Sao trời lạnh thế nhỉ, lạnh quá.

Dũng tảng lờ nhanh quá, cậu bạn xoa hai tay vào nhau có vẻ lạnh lắm. Mai luống cuống không biết làm thế nào, tháo găng tay ủ lấy bàn tay Dũng. Bất ngờ Dũng ôm lấy Mai thật chặt, chặt lắm, con bé bỗng thấy ấm áp vô cùng…

– Bù Nhìn ngốc xít của tớ! Thực ra tớ chỉ là một bác nông dân bình thường thôi, còn những gì tớ dành cho cậu mới là ruộng ngô xanh tốt dưới kia. Bác nông dân cần Bù Nhìn giúp bảo vệ tình cảm và thành quả mà bác ấy đã gây dựng. Một con Búp Bê xinh đẹp không thể giúp bác nông dân làm được điều đó, cậu hiểu chưa?…

Chúng mình có duyên

Tháng chín, tiếng ve đã im bặt, hương vị thanh khiết của mùa thu đong đầy trong từng cơn gió mát. Trường THPT Thăng Long Hà Nội hôm nay sôi nổi hơn hẳn ngày thường. Sân khấu trang nghiêm với lẵng hoa bày bốn góc, bục phát biểu đặt chính giữa , phía sau là bức tượng Hồ chủ tịch nổi bật trên tấm phông màn màu xanh ngọc.

Phong đứng cuối hàng, uể oải dựa vào thân cây, ngáp ngắn ngáp dài trong lúc nghe bài phát biểu của cô hiệu phó: “Buổi lễ khai giảng hôm nay rất đặc biệt vì một lý do: Chúng ta chào đón các em học sinh lớp mười nhập trường. Đề nghị các bạn cho một tràng pháo tay.”.

“Sao từ đầu đến giờ bắt vỗ tay nhiều thế nhỉ ?”. Phong lẩm bẩm, đập nhẹ hai bàn tay vào nhau cho có lệ.

“Vỗ tay cổ vũ chính mình cũng không thiệt”. Đức, bạn mới quen của Phong tự an ủi.

Đức và Phong đều là học sinh lớp mười mới vào trường, hai người mới gặp nhau đúng một lần hôm đi đăng ký phân ban. Hôm ấy, Đức đã trợn tròn mắt, miệng ú ớ không nói thành lời khi có một thằng con trai không thân không thích tự dưng đến vỗ vai mình và nói những câu như trong phim kiếm hiệp: “Anh bạn, tuy mới chỉ gặp nhau lần đầu nhưng tôi có cảm giác như đã quen biết từ lâu. Chúng ta kết nghĩa huynh đệ nhé”. Hai người biết nhau như thế.

Sau một thời gian lê la tiếp cận, có thể tạm gọi là quen, Phong định rủ Vân cùng đi học nhưng lại sợ bị từ chối, hắn bèn nghĩ ra một cách: Đứng đợi sẵn trên con đường mà Vân sẽ đi qua khi đến trường, giả vờ như đó chỉ là tình cờ gặp mặt. Nhất tiễn hạ song điêu, vừa không mất đi khí chất nam nhi, lại ngày ngày gặp được người trong mộng. Nhưng vấn đề ở chỗ con đường A và B đều dẫn đến trường, hắn đợi ở đường A mà Vân đi đường B thì đúng là uổng công vô ích. Hắn biết đây là lúc tình huynh đệ lên tiếng.

Đức được giao nhiệm vụ đứng canh trước nhà Vân mỗi buổi sáng. Chỉ cần thấy cô dắt xe ra cổng, Đức sẽ đi theo cho đến khi cô chọn rẽ vào đường A hoặc đường B, sau đó gọi điện cho Phong báo cáo phương hướng di chuyển mục tiêu. Phong đứng đợi sẵn ở điểm nằm giữa hai con đường, đếm từ một đến chín mươi chín rồi chậm rãi từng vòng xe đi vào đúng con đường theo tin tình báo, đợi Vân từ phía sau tiến lên chào hỏi: “Ơ Phong, cậu cũng đi đường này à ?”.

Mối quan hệ của họ ngày càng thân thiết sau những buổi sáng “tình cờ” gặp nhau như thế. Hai người đạp xe đi bên nhau, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Thi thoảng Vân cũng thắc mắc vì sự trùng hợp kỳ lạ ấy, còn Phong chỉ biết nhắc đi nhắc lại câu trả lời cũ rích không mấy sáng tạo ấy.
“Mình nhớ nhà cậu ở phía kia cơ mà, sao hôm nào đi học cũng gặp cậu ở đây nhỉ ?”.
“Mình đã nói rồi. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Chúng ta có duyên !”. Sau đó hắn sẽ cười lớn, đạp thật nhanh về phía trước, bỏ lại Vân phía sau với những mông lung chưa có lời giải của cô.

Một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo năm lớp mười, từng cơn gió gào thét qua khe cửa, máu như đông cứng trong huyết quản. Vân ngồi co ro một góc trong giờ thể dục, người run lên cầm cập. Phong tiến đến gần, cúi xuống nhìn cô:
“Mình chạy lên lớp lấy áo khoác cho cậu nhé.”.
“Thôi, không cần, dạo này quy định về đồng phục nghiêm lắm, để các thầy cô nhìn thấy không hay.”. Vân vừa nói vừa xoa hai tay vào nhau.
“Thế áo khoác đồng phục mùa đông của cậu đâu ?”.
“Giặt rồi nhưng chưa khô, đang phơi ở nhà!”.
Phong cởi chiếc áo khoác đồng phục đang mặc trên người đưa cho Vân: “Đây, cậu mặc vào đi !”.
Vân ngại ngùng lảng tránh ánh mắt Phong: “Cám ơn, mình không muốn ngườ khác vì mình mà chịu lạnh”.
Phong nghe tim mình đập thình thịch trong lồng ngực, cảm kích không nói thành lời.
“Cô ấy không muốn mình bị lạnh !”. Hắn tủm tỉm cười
Lát sau, phong chạy vụt đi đâu đó rồi quay lại với một chiếc áo khoác đồng phục trên tay: “Bây giờ được rồi chứ ? Không ai bị lạnh cả !”.
“Cậu kiếm đâu ra cái áo này thế ?”. Vân thoáng ngạc nhiên.
“Mình đi mượn cho cậu đấy !”. Vân định hỏi mượn ai, mượn như thế nào, xong lại thôi. Hỏi nhiều làm gì, chỉ cần biết rằng người ta quan tâm mình, vậy là đủ rồi. Cô nghĩ thầm.

Ngày qua ngày, tháng nối tháng, cảm tình giữa hai người ngày càng sâu đậm theo thời gian. Cả Vân và Phong đều nhận ra có một cái gì đó khang khác đang dần nhen nhóm trong trái tim mình, nhưng lại không biết gọi tên là gì. Những buổi sáng đi học chung, Vân ngồi sau xe Phong, hét lớn, hoảng hốt ôm lấy Phong mỗi khi hắn cố tình đạp nhanh, hết đảo sang trái rồi sang phải. Những lúc trong lớp ánh mắt hai người vô tình chạm nhau, nụ cười ngượng ngập, thời gian ngưng đọng như giọt sương trên cành lá, vương vấn mãi không rời.

Nhớ lần đầu tiên hai đứa đến muộn vì mải “tám” chuyện trên đường. Cổng trường đã đóng, Phong vứt cặp trèo tường vào trước, Vân đứng ngoài khóc thút thít, không biết phải làm thế nào. Phong đành phải mặt dày chạy đến chỗ bác bảo vệ cầu xin: “Trong lúc khó khăn, mong bác ra tay tương cứu, cháu khắc cốt ghi tâm, cả đời không quên !”. Bác bỏ vệ tròn mắt nhìn Phong, sau đó vui vẻ mở cửa cho Vân đường hoàng đi vào.

Có những khi Vân giận Phong vì không quan tâm đến cô, chỉ biết cắm đầu vào đọc truyện, hoặc Phong giận Vân vì cô…chăm chỉ học hành quá mức, khiến hắn tự thẹn không bằng. Hai người không nói chuyện với nhau mấy ngày liền, có gặp nhau thì người này vênh mặt, người kia bĩu môi. Nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, đêm xuống chằn chọc không ngủ được khi nghĩ đến đối phương, lấy máy điện thoại ra ngập ngừng từng dòng tin nhắn xin lỗi.

Tất cả những điều ấy…nên gọi là gì nhỉ ? Phải rồi ! Là nhớ, là thích, là…yêu.

Lớp mười hai, đứa nào đứa nấy đều cắm đầu vào bài vở chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Năm học cuối cấp luôn khó khăn, cảm giác lo lắng, sợ hãi choán hết tâm trí: Sợ những kỳ thi định mệnh, sợ con đường phía trước có quá nhiều chông gai, còn bản thân lại quá yếu đuối, sợ phải nói lời tạm biệt với người mà mình muốn gắn bó trọn đời…

Cả Vân và Phong đều nhận ra thời gian bên nhau đang cạn dần. Đã bao lần họ muốn thổ lộ tình cảm của mình nhưng những câu nói chỉ ngập ngừng đầu môi, không cách nào thành tiếng. Vân nghĩ mình là con gái, con gái mà chủ động trong chuyện tình cảm thì không hay chút nào. Còn Phong thì cứ đắn đo mãi với điệp khúc: “Thôi để lần sau cũng được !”. Nhưng dường như hắn quên mất một điều: Liệu hắn và Vân còn lại bao nhiêu cái “lần sau” như thế nữa. Hóa ra vị anh hùng “đầu đội trời chân đạp đất” mà hắn tự phong cho mình cũng có lúc nhút nhát đến thế, một tiếng yêu cũng không dám nói.

“Này, cho cậu !”. Phong đưa cho Vân một que kem dừa, miệng cười ma mãnh.

“Ngày gì đây, mua kem cho mình cơ đấy !”.

“Phong chỉ muốn cám ơn Vân. Phong đọc hết chỗ sách bố mua rồi, thì ra kinh doanh cũng không tệ, có lẽ mình sẽ thi vào trường thương mại.”. Hắn nghiêm túc.

“Mình đã bảo mà, cố gắng nhé !”. Vân cắn một miếng kem.

“Thế còn cậu ? Cậu…định thi trường gì ?”. Phong nghiêng đầu nhìn Vân.

“Mỹ thuật, mình thích vẽ, nhưng cũng chưa biết được !”. Cô cắn một miếng kem nữa.

“Mỹ thuật ? Cũng tốt !”. Nét mặt Phong thoáng buồn, giọng hắn thều thào như hết hơi. Hắn bỗng tưởng tượng ra những ngày sau này, khi hai đứa không còn học chung với nhau. Vị thần thời gian có tàn nhẫn kéo hắn và cô ấy ra xa nhau không ? Phong ôm đầu lắc mạnh, không muốn nghĩ gì thêm nữa.

Những ngày sau đó, Phong bỗng có một ý nghĩ lạ lùng: “Hay mình cũng thi trường Mỹ thuật nhỉ ?”. Nhưng rồi hắn thở dài ngao ngán khi nghĩ đến khả năng hội họa dở tệ của mình. Phong thả mình xuống giường như buông xuôi mọi thứ, lôi vài cuốn truyện Phong Vân ra đọc, lòng ngổn ngang những suy tư.

Kỳ thi tốt nghiệp cuối cùng cũng đến. Phong và Vân thi cùng hội đồng, cùng phòng, ngồi ngay cạnh nhau. Có lẽ đây là lần đầu tiên từ khi quen biết, hai người “có duyên” với nhau thật sự chứ không còn là sự sắp đặt có chủ đích nữa.

Đề thi khá dễ, Phong làm xong trước giờ quy định đến một tiếng. Quay sang bên cạnh, hắn thấy Vân vẫn đang chăm chú viết bài, trái tim loạn nhịp. Ba năm trước, lần đầu tiên gặp Vân, trái tim hắn cũng ở trong trạng thái y như vậy: Ương bướng muốn nhảy ra khỏi lồng ngực mặc cho hắn cố đè nén thế nào. Phong chống cằm lên tay ngắm nhìn cô. Hắn muốn ghi nhớ thật kỹ đôi mắt ấy, đôi môi ấy, nụ cười ấy. Hắn sợ sau hôm nay, mình sẽ quên, quên hoặc là không thể nhớ được nữa. Ba năm với Phong chỉ như khoảnh khắc trong một cái quay đầu, chưa hiểu chuyện gì xảy ra đã phải nói lời tạm biệt.

“Em kia, nhìn bài bạn phải không ?”. Giám thị chỉ tay vào Phong, giọng lanh lảnh.

Phong giật mình, luống cuống: “Không ạ ! Em không có, em thề !”.

“Lại còn chối à, có muốn bị đánh dấu bài không ?”.

“Em đang ngắm bạn ấy chứ có nhìn bài đâu, mong cô minh xét !”. Cả phòng ôm miệng cười. Vân ngại ngùng lấy tay che mặt, sau đó lườm Phong một cái.

Hai người bước ra khỏi phòng thi, thở phào nhẹ nhõm vì làm bài tốt.

“Cái câu về thì hiện tại hoàn thành cậu chọn đáp án nào ?”. Vân hỏi Phong.

“D thì phải, nhưng mình không chắc.”. Phong ngẫm nghĩ.

“Thôi kệ đi, dù sao cũng kết thúc rồi.”. Vân cười.

“Ờ, kệ đi, mai mình lại qua rủ cậu đi học nhé !”. Phong hào hứng.

Bước chân cô gái bỗng dừng lại, nét mặt thoáng buồn. Cô đưa mắt nhìn chàng trai đầy tiếc nuối, giọng rất nhỏ: “Mai có đi học nữa đâu, cậu quên à ?”.

Cổ họng Phong nghẹn đắng, cảm giác hụt hẫng lấp đầy trái tim trống rỗng của hắn: “Ừ nhỉ ! Mình quên mất !”. Hai người cứ đi bên nhau như thế, im lặng không ai nói gì. Họ thầm ước con đường này dài bất tận, để họ có đủ thời gian suy nghĩ về những gì muốn nói với đối phương. Nhưng đáng tiếc, thời gian không chờ đợi ai, còn họ lại không có đủ dũng khí để đối mặt.

Thu sang khiến tiết trời dịu lại, Hà Nội cũng trầm mặc và bình yên hơn. Phong đón nhận tin đỗ đại học với tâm trạng bình thản. Hắn gọi ngay cho Vân, cô không bắt máy, nhắn tin cũng không thấy trả lời lại, tra điểm trên mạng mới biết cô đỗ trường Mỹ Thuật. Hắn nghĩ duyên phận giữa hắn và cô thế là hết rồi.

Mùa thu năm ấy, hắn muốn đọc lại bộ truyện Phong Vân một lần nữa, nhưng lục tung cả căn phòng cũng không tìm thấy tập một. Tâm trí hắn mơ hồ trở lại nhiều năm trước: Có một chàng trai lén mở cặp một cô gái, bỏ vào đó một cuốn truyện. Không biết cô ấy đã đọc chưa ?

Không có khởi đầu thì nói gì đến kết thúc, bộ truyện này không thể đọc tiếp nữa rồi. Mắt hắn cay cay. Tập truyện còn thiếu ấy như một mảnh vỡ rơi ra từ trái tim Phong, đã mãi mãi lưu lại ở chỗ Vân, không cách nào đòi về được.

Buổi lễ chào đón tân sinh viên trường đại học Thương Mại được tổ chức khá long trọng. Phong chen chúc trong biển người gần mười phút mới tìm được cho mình một chỗ ngồi . Hắn ngán ngẩm ngả người vào lưng ghế, mồ hôi lấm tấm khuôn trán. “Hội trường gì mà bé tý, quạt trần yếu như đuổi ruồi !”, Phong lại lẩm bẩm.

Dòng người hối hả lướt qua Phong đi tìm chỗ ngồi, hắn bỗng cúi gằm mặt, cảm xúc trùng xuống. Ba năm trước, Phong dự lễ khai giảng đầu tiên với tư cách là một học sinh cấp ba, vậy mà chớp mắt một cái hắn đã trở thành tân sinh viên rồi. Hồi ấy tuy có phải đứng lâu một chút, vỗ tay nhiều một chút nhưng so với hiện tại vẫn thoải mái hơn nhiều. Phong không muốn lớn thêm nữa. Hắn cảm thấy con người càng lớn lên, mọi thứ càng phức tạp. Nếu được chọn lựa, Phong sẽ chọn mãi mãi là một học sinh cấp ba, mãi được sống những ngày vô ưu vô lo…bên cạnh cô ấy.

Phong nhớ Vân, nhớ đến phát điên, nhưng có lẽ đối với cô hắn chỉ là một cơn gió thoảng qua, lặng lẽ đến, lặng lẽ đi. Giờ này chắc cô đang ngồi trong lớp học mới, hào hứng làm quen những người bạn mới, rồi lại hăng say với bài vở như ngày nào, chẳng còn thời gian nhớ tới hắn đâu.

Buổi lễ diễn ra nhạt nhẽo và khuôn mẫu. Mở đầu là màn văn nghệ chào mừng, sau đó một thầy cô nào đó lên đọc một cái gì đó kiểu như thế này: “Kính thưa các thầy cô giáo và toàn thể các em, lời đầu tiên cho phép tôi chúc mừng hơn hai nghìn tân cử nhân đang ngồi ở đây…”.

Phong lấy hai tay bịt tay, mặt mếu máo: “Em xin thầy, nhanh cho em còn về !”. Hắn cảm thấy có ai đang cười mình, nhưng nhìn bốn phía chỉ thấy mọi người đang chăm chú nhìn lên sân khấu.

“Sau đây tôi xin mời em Minh Vân, thủ khoa khối ngành quản trị kinh doanh thay mặt các bạn tân cử nhân lên phát biểu cảm tưởng.”.

“Lại cái quái gì nữa thế…?”. Phong bặm môi, sau đó bỗng ngây người ra như vừa ngộ được điều gì. Minh Vân ư ? Có phải là…?

Phong đứng dậy, hơi thở gấp gáp, mắt dõi theo cô gái đang từ từ bước lên sân khấu. Đúng là Vân rồi. Hắn sao có thể quên được khuôn mặt thanh tú diễm lệ ấy, nụ cười cô vẫn rạng ngời như ngày nào. Ký ức dội vào trái tim Phong. So với ba năm trước, mái tóc cô dài hơn, đôi môi cũng không còn bướng bỉnh, ở cô toát lên một vẻ thanh nhã hiếm thấy. Hắn đã ở bên cô quá lâu, quá tự nhiên để nhận ra sự thay đổi ấy: Cô đã trưởng thành rồi, tình cảm hắn dành cho cô cũng không còn là sự bồng bột nhất thời của tuổi trẻ nữa. Hắn yêu cô !

Vân nghiêng đầu nhìn Phong, hắn vẫn trơ ra như tượng. Đây không phải một giấc mơ chứ ? Mà là mơ thì đã sao, hắn sẵn lòng đắm chìm trong giấc mơ ấy. Khoan đã, khoa quản trị kinh doanh ư, cùng khoa với hắn. Có khi nào cùng lớp luôn không ? Hắn mừng đến phát điên.

Lần đầu tiên trong đời Phong kiên trì nghe hết một bài phát biểu, cả hổi trường vỗ tay nhiệt liệt, buổi lễ chào mừng tân sinh viên cuối cùng cũng kết thúc. Từng người, từng người rời đi, chỉ còn Phong và Vân lưu lại. Họ, bốn mắt giao nhau, linh hồn hắn như đi lạc, còn thân xác đứng bất động một chỗ.

Vân tiến lại gần, kiễng chân ghé sát mặt Phong: “Sao, mới một tháng không gặp đã quên mình rồi sao ?”.

“Thế này, thế này…là thế nào ?”. Phong ấp úng. Hắn thậm chí không dám thở mạnh.

“Trả cậu này !”. Vân đặt lên tay Phong tập truyện số một. Số phận cuốn truyện ấy cũng kì lạ, mất ba năm mới trở về tay chủ.

“Mai mang cho mình mượn tập hai nhé !”. Vân ghé sát tai Phong thì thầm. Hai người thấy mặt mình nóng bừng.

“Mình muốn biết tại sao ?”. Phong nhìn thẳng vào mắt Vân.

“Tại sao cái gì ?”.

“Tại sao cậu lại đến đây ? Tại sao chúng mình lại gặp nhau ?”.

Cô đan tay mình vào bàn tay Phong, siết chặt: “Vì chúng mình có duyên !”.

Lời hẹn không mùa

Cường lấy cái bút bi cho vào cặp sách rồi lại bỏ ra, đặt ngay ngắn trong ngăn kéo của chiếc bàn học, cái ngăn kéo ấy Cường chỉ dành để cất những cây bút đặc biệt mà cậu lấy từ lớp học về. Đếm sơ sơ cũng đã có khoảng tầm hơn 10 cây bút từ bút bi đủ các màu mực xanh, đỏ, tím, đen đến những cây bút chì xinh xắn ngắn dài, to nhỏ các kiểu có đủ cả. Cường thắc mắc tại sao chủ nhân của chúng không bao giờ đòi lại nhưng nếu như bị đòi thật thì chưa chắc Cường đã trả lại.

Cường dắt xe đạp ra khỏi cổng bắt đầu đi đến trường, cậu cố đạp chầm chậm để khi đến trường vừa cất xe vào nhà xe xong thì cũng vừa trống vào lớp, cái thói quen này xuất hiện đã được gần hai tháng nay. Việc lớp trưởng đi học muộn bất thường mới đầu khiến cả lớp thắc mắc nhưng rồi sau khi nghe Cường thanh minh rằng, xe đạp điện của cậu bị hỏng và cậu phải đi xe đạp chân nên đến muộn hơn trước mọi người cũng bắt đầu tỏ ra thông cảm. Với lại cũng là năm cuối cấp rồi, còn mấy tháng nữa là ra trường nên những chuyện kỉ cương, quy định cũng chẳng mấy ai thèm để tâm nữa. Nhiều lớp khối 12 còn hay nói nhỏ với nhau rằng, những ngày này đến lớp chỉ là để giao lưu, tâm sự với nhau cho có thêm nhiều kỉ niệm để sau này chia tay còn có cái mà nhớ tới thôi. Cường vừa bước vào lớp thì chín mươi chín phần trăm lớp học đã ổn định chỗ ngồi, cậu đi về chỗ ngồi của mình và giơ tay vẫy chào các “thần dân” lớp 12 Sinh như thể ngôi sao ca nhạc đình đám vẫy tay chào người hâm mộ vậy. Cường ngồi xuống cạnh cô bạn cùng bàn đang cười cậu tủm tỉm, chỗ ngồi của cậu vẫn như mọi khi đã được Sương lau dọn sạch sẽ và cậu chỉ việc ngồi vào mà thôi. Sự chăm sóc nhẹ nhàng và thầm lặng này của Sương chính là nguyên nhân sâu xa của việc Cường đến lớp muộn bất thường.

Giờ truy bài 15 phút đầu giờ diễn ra rất sôi nổi, Hưng béo vẫn là đứa to mồm nhất, hôm nay chàng ta lại có những sáng kiến mới bày tỏ trước cả lớp.
“Ê chúng mày ơi, chiều nay đến nhà tao “ôn bài” không, cây Ổi của bác hàng xóm nhà tao chín nhiều lắm…!”
“Không ăn Ổi đâu, đến nhà Mai mụn câu cá đi, nhà nó ngay gần bờ sông” – một người khác ý kiến.
“Dào ôi, sông đấy thì câu mãi bao giờ được cá?” – Hùng béo phản bác.
“Không câu ở sông thì câu ở ao nhà nó chứ sao, nhà nó có cái ao bé lắm mà nhiều cá lắm…”

Giờ truy bài của 12 Sinh gần đây là như thế, hôm nào thầy chủ nhiệm không đến lớp là cả lớp lại giở bài câu cá, hái quả, bắt chim ra để “truy” với nhau, lớp trưởng Cường dạo này lại mát tính nên được dịp càng ngày lớp lại càng sôi nổi hơn bao giờ hết. 15 phút ngắn ngủi qua đi, bắt đầu vào tiết đầu tiên, Cường mở cặp hí hoáy tìm bút, Sương quay sang nhìn rồi thở dài, Cường cũng nhìn nàng rồi thở dài. Trên bàn có hai cây bút bi, một cái mực đỏ, một cái mực xanh, cái mực xanh Sương để chép bài, cái màu đỏ nàng để ghi các đầu bài và những phần quan trọng cần chú ý. Cường hết nhìn Sương rồi lại nhìn hai cây bút rồi chẳng cần hỏi cậu ta đưa tay toan nhặt cây bút mực xanh lên nhưng Sương đã kịp chộp lấy, vậy là hôm nay Cường phải chép bài bằng mực đỏ. Nếu để thầy giáo nhìn thấy thì chắc chắn sẽ bị thầy nhắc nhưng vì đã… lỡ để quên bút ở nhà nên cậu cũng chẳng còn cách nào.

Dạo này Cường thấy tâm hồn mình lơ lãng, từ một lớp trưởng nóng tính và nghiêm khắc gần đây cậu bỗng trở nên mát tính và dịu dàng lạ. Trong giờ học cậu hay quay sang Sương nhìn lén cô bạn, cậu thấy Sương dạo này xinh lên rất nhiều nhưng cậu vẫn nghi hoặc cảm giác của mình. Cậu hay tự hỏi chỉ mỗi mình cảm giác thế hay cả lớp đều thấy thế nhỉ. Cậu muốn hỏi một ai đó ở trong lớp để xem là cảm giác của cậu có đúng không nhưng vì sợ mọi người biết mình thích Sương nên cậu không dám nói ra. Mà thực ra mọi người biết cũng chẳng sao, Cường chỉ sợ Sương biết thì cậu chẳng biết chui vào lỗ nào nữa. Sương là cựu lớp trưởng của 12 Sinh, cô nàng có điểm thi vào 10 cao nhất lớp nên từ hồi mới vào lớp đa được cử làm lớp trưởng nhưng vì chưa làm cán bộ lớp bao giờ, lại hơi nhút nhát nên nàng chỉ làm được đúng một học kỳ năm lớp 10. Sau đó chức lớp trưởng được chuyển sang cho Cường. Từ trước đến giờ Cường chưa bao giờ để ý đến Sương, dù Sương học rất giỏi. Có thời gian Cường còn không ưa Sương một tí nào nếu không muốn nói là ganh ghét vì nàng được nhiều thầy cô ưu ái quá. Lên lớp 12 thì cảm giác ganh ghét ấy có vẻ vơi bớt đi vì Sương cũng không quá nổi như trước nữa, cô nàng có vẻ trầm tính hơn, khiêm tốn hơn rất nhiều. Từ ngày Sương chuyển về ngồi cạnh, Cường thấy trong lòng mình như có bão, bão nhẹ thôi, cậu vừa mừng vừa không mừng. Mừng vì thỉnh thoảng có thể liếc bài Sương, nàng học giỏi mà, không mừng vì cậu vẫn thấy không ưa Sương làm sao ấy.

Hằng ngày đến lớp Cường chỉ chú ý lau chỗ ngồi của mình, thậm chí có khi còn phủi bụi sang chỗ của Sương và dù ngồi cùng bàn được tháng trời Cường không bao giờ nói với Sương một câu nào. Nhà Sương xa nên thường hay đến lớp muộn hơn Cường nhưng nếu hôm nào nàng đến sớm thì nàng thường chú ý lau bàn ghế sạch sẽ cho cả Cường nữa. Việc này làm Cường thấy ngạc nhiên thậm chí có chút cảm động, việc ấy cứ lặp đi lặp lại, mỗi lần cậu đến muộn hơn Sương lại lau bàn ghế cho cả Cường làm cậu ta thấy ngại vô cùng. Khi Cường đến sớm hơn thì cậu lại thấy tự dưng đi lau bàn ghế cho cả Sương nữa thì cả lớp sẽ nhìn vào và nghi ngờ rồi vẽ nên chuyện ong bướm này kia, Cường rất sợ “dư luận” 12 Sinh là thế. Mấy đứa này hay để ý Cường lắm, chúng chỉ mong phát hiện ra Cường có thiện cảm với cô nàng nào là chúng sẽ bắt đầu thêu dệt lên những chuyện cổ tích tình yêu hay hơn cả truyện cổ tích đã có trong dân gian. Nhưng thấy Sương tốt với mình như vậy mà mình lại đối xử lại không ra gì Cường thấy mình thật nhỏ nhen, không đáng mặt một… thằng lớp trưởng. Thế là từ đó Cường bắt đầu đi học muộn, đây quả là một diệu kế mà cậu phải nghĩ nát óc mới ra.

Một hôm vì thức khuya xem bóng đá cùng bố Cường dậy muộn, thế là hôm đó cậu bị đến lớp muộn thật, đã thế lại trúng ngay bài kiểm tra Lịch Sử 15 phút không báo trước. Cường lục hết từ ngăn này đến ngăn kia của cái cặp sách nhưng chẳng thấy cây bút yêu quý ở đâu cả. Hai phút trôi qua hầu như cả lớp đã bắt đầu làm bài, một vài đứa đang gạch gạch, xóa xóa lên tờ nháp làm như đang phân tích, có vài đứa thì đang cắn bút ra vẻ suy nghĩ tới lui. Câu hỏi cô giáo đưa ra là hãy nêu tóm tắt diễn biến lịch sử của Chiến dịch Điên Biên Phủ 1954. Thực ra Cường dạo này biếng học nên cũng chẳng nhớ diễn biến của cái chiến dịch ấy ra làm sao, chắc tìm thấy bút thì cậu cũng chỉ ngồi ngậm bút cho hết giờ rồi lần sau lại xin cô giáo cho gỡ điểm. Nhưng bực một nỗi bút để mà cắn cũng chẳng thấy đâu, bỗng dưng một bàn tay đẹp xinh nhẹ nhàng đặt một cây bút bi mực đen ngay trước mặt cậu, Cường cảm động quay sang nhìn Sương nhưng nàng chỉ cười rồi ra hiệu cho cậu mau làm bài. Cường lí nhí nói lời cảm ơn trong mồm rồi cúi xuống làm bài. Sương cũng chẳng lấy tay che bài làm của mình đi cứ như thể nàng hiểu rõ tình hình của Cường. Vốn thông minh nên khi liếc qua bài của Sương, Cường cũng dần nhớ ra được diễn biến của cái chiến dịch kia ra làm sao, cậu hí hoáy làm bài tuy vậy vẫn “chặt chém” gần năm mươi phần trăm.

Rồi hôm ấy cậu đã mang bút của Sương về nhà, không phải là cố tình mà là cậu quên không trả. Cậu để cây bút vào trong ngăn kéo định hôm sau mang lên lớp trả lại Sương nhưng lại quên mất. Sương cũng chẳng hỏi đến nên cậu đã để cây bút đó để…ngắm mỗi lần nhớ đến Sương. Hình ảnh của Sương xuất hiện trong đầu Cường ngày một nhiều hơn. Một lần nữa đang chép bài thì bút cậu hết mực, cậu quay ngay sang Sương nhìn nàng và nàng nhẹ nhàng hỏi lại.

“Có cần mượn bút không?”
“Có!”

Từ hôm ấy Cường bắt đầu để quên bút ở nhà nhiều hơn để có cớ… bắt chuyện với Sương. Người ta thích nhau thì thường có nhiều chuyện để mà hỏi nhau nhưng mà Cường chỉ có thể hỏi mượn bút Sương mà thôi. Vốn đẹp trai, học hành lại không đến nỗi nào Cường là mục tiêu của nhiều cô gái và trên thực tế thì cậu cũng từng cặp kè đôi lần chủ yếu với mấy em lớp dưới. Nhưng chẳng hiểu vì sao chuyện hẹn hò của cậu chưa đâu vào đâu thì đã tan vỡ, có lẽ vì Cường khô khan quá, trong lòng thì thích người ta lắm nhưng lại chẳng biết quan tâm nên toàn bị đá sớm. Dù cố giấu nhưng chuyện tình cảm của Cường dành cho Sương cũng bị phát hiện ra. Rồi giống như dự đoán của cậu chuyện này đã trở thành một đề tài nóng bỏng không chỉ trong cộng đồng 12 Sinh mà còn lan ra các lớp khác trong khối 12 và chẳng bao lâu nó đã lan rộng đi khắp trường. Và người có công khai phá là Hùng béo.

Một buổi sáng thứ Bảy đẹp trời, Cường đã đến lớp hơi sớm và Sương vẫn chưa đến, cậu đành phải lau bàn cho cả hai đứa. Người đưa rẻ lau bàn cho Cường là Hùng béo vì nó vừa lau xong, nó liền để ý ngay. Hôm đó Cường cứ ngóng mãi ra ngoài cửa lớp nhưng chẳng thấy Sương đến, một nỗi lo lắng dần xuất hiện. Cả lớp có mỗi Hùng béo là gần nhà Sương nhất, hai đứa này cũng chơi với nhau từ bé nên rất hiểu nhau. Cường định hỏi nhưng cứ thấy ngại ngại và không biết mở đầu ra sao để Hùng béo không ngạc nhiên và không nghi ngờ. Cuối cùng cậu mới nhớ ra là đầu giờ nhiệm vụ của lớp trưởng là điểm danh cả lớp, đã lâu rồi Cường không điểm danh lớp nên khi bị điểm danh cả lớp bỗng nhao nhao lên.

“Trật tự! hôm nay trời đẹp điểm danh tí có sao đâu”.

Lí do Cường đưa ra cũng thật là “chuối” nhưng đó là cách để cậu điều tra xem sao hôm nay Sương nghỉ học. Hôm đó lớp có ba người nghỉ học đều có lí do cả, giấy xin phép nghỉ học của Sương là Hùng béo cầm nhưng đến lúc Cường điểm danh nó mới trình lên trong khi hai cái giấy xin phép nghỉ học của hai đứa còn lại đã để trên bàn giáo viên. Vừa đưa tờ giấy xin phép nghỉ học của Sương cho Cường, Hùng béo vừa bảo nhỏ, như chỉ để cho Cường nghe thấy.

“Sương nó ốm nặng lắm mày ạ!”

Cả tiết học đó Cường như ngồi trên đống than cháy dở, thấy vô cùng lo lắng và thấy thiêu thiếu làm sao. Hơn hai tháng ngồi cạnh Sương dù không nói gì với nhau nhiều nhưng Cường đã quen việc có một cô bạn tóc dài, mắt to tròn ngồi bên cạnh mình. Luôn lau bàn cho mình mỗi sáng, cứ tầm một tuần lại cho mình mượn vài cây bút… vắng người ấy sao mà không thấy trống trải được cơ chứ. Hết buổi học Cường kéo Hùng béo lại hỏi nhỏ.

“Sương bị sao đấy mày?”

Chỉ chờ có thế Hùng béo được thể “sáng tác” ra câu chuyện về vụ nghỉ học của Sương.

“Nó bị ngã từ trên cây Me xuống mày ạ, mặt mày xây xẩm hết, tệ hại ở chỗ là nó bị ngã từ trưa mà đến tối người nhà nó mới phát hiện ra trong tình trạng… người không còn một mảnh vải”.

“Trời! mày nói gì mà nghe ghê vậy? Nó bị ngã từ trên cây xuống chứ có phải bị ngã trong khi đang chuẩn bị tắm ao đâu mà lại không mảnh vải nào trên người?”

“Mày chẳng hiểu gì cả, nó bị ngã từ trên cành cao tít xuống, các cành cây “cào” hết quần áo của nó chứ sao nữa”.

“Thế sao mày không bảo với cả lớp, để mọi người còn tổ chức tới thăm!”

“Bảo làm chi? Nó xấu hổ lắm, cứ bảo tao giấu hộ hoài, nó ngã có đẹp đẽ gì đâu chứ, nếu không ngại mày nên đại diện lớp lặng lẽ đến thăm nó thôi”.

Cường bần thần ra một lúc, trong khi Hùng béo đã đi được cả chục mét gần đến nhà để xe đạp. Cường vội chạy theo hỏi:

“Chiều nay mày đi đâu không?”

“Có, tao đi đám cưới bà chị họ bên ngoại”.

Cường không hề biết rằng mình đã dính bẫy của Hùng béo, hôm ấy về nhà cậu cứ đứng ngồi không yên, tự dưng cậu thấy mình lo cho Sương nhiều lắm. Đến cuối chiều thì cậu quyết định tìm đến nhà Sương để dò hỏi tin tức xem thế nào, Cường tính rủ thêm ai đó cùng lớp đi nhưng sau vì sợ mọi người nghi ngờ này nọ nên lại thôi. Hôm đó Hùng béo nấp sẵn ở trên phòng, từ cửa sổ phòng nó có thể nhìn bao quát toàn cảnh, nhà Sương nằm đối diện nhà nó. Nó thấp thỏm hy vọng Cường sẽ đến thăm Sương, để nó còn có chuyện mà loan báo với cả lớp. Chờ mãi cả buổi chiều định bỏ cuộc thì mắt nó chợt sáng lên, nó nhìn thấy ở phía dưới đường Cường trên chiếc xe đạp điện và một bó hoa Hồng trà rất đẹp đang đứng trước cổng nhà Sương. Cường bấm chuông, thì một lúc sau Sương ra mở cửa, mặt mày nàng hôm nay có vè tái nhợt nhưng khi nhìn thấy Cường với bó hoa trên tay bỗng dưng như có máu dồn lên, và mặt nàng hơi đỏ nhưng mặt Cường còn đỏ hơn.

Hùng béo ở trên phòng nó nhìn xuống thì cười khúc khích và nó còn tranh thủ chụp lại vài kiểu ảnh lãng mạn của Cường và Sương nữa, đây sẽ là một đề tài nóng bỏng để lớp nó thảo luận với nhau đến hết năm học.

“Ủa sao bảo Sương bị ngã cây xây xẩm mặt mày, nên Cường… “đại diện” lớp đến hỏi thăm…”

Sau một hồi lâu Cường mới nói lên được câu ấy.

“Ngã cây hồi nào? Hôm nay Sương bị đau bụng nên xin nghỉ thôi”.

Cường ngớ người, theo phản xạ tự nhiên cậu đưa mắt nhìn xung quanh rồi cậu phát hiện ra mình bị Hùng béo lừa, dúi bó hoa vào tay Sương, Cường vội cáo lui. Hôm sau đến lớp mọi chuyện đã diễn ra như nỗi sợ của Cường, cậu tức Hùng béo lắm nhưng lúc này gây chuyện với nó chỉ tổn làm to chuyện. Cả lớp thỉnh thoảng quay xuống nhìn Cường và Sương rồi lại tủm tỉm cười, thỉnh thoảng còn có đứa làm thơ về tình yêu của của hai đứa dán lên bảng tin của trường nữa. Trước tin đồn tình ái gây xôn xao dư luận, hai nhân vật chính của câu chuyện chỉ im lặng, họ không những im lặng với mọi người mà còn im lặng với nhau. Mà dư luận lại cho rằng im lặng chính là thừa nhận nên họ càng khẳng định chắc chắn về việc Cường và Sương đang yêu nhau là chuyện có thật. Sau vụ “xì căng đan” này thì Cường bỗng trở nên ngại Sương vô cùng, từ hôm đó cậu lại chỉnh lại thời gian đến lớp, cậu đợi Sương vào lớp rồi mới vào và chỗ ngồi của ai người ấy tự lau. Cường vẫn thích Sương, luôn ngớ về Sương nhưng cũng ngại Sương nhiều hơn vì cậu không biết Sương nghĩ thế nào về vụ này. Sương chỉ im lặng với những gì đang xảy ra xung quanh, mặc kệ cho mọi người muốn thêu dệt sao thì tùy.

Thời gian quá nhanh đối với những học sinh năm cuối cấp, đã có lúc Cường thấy những tháng ngày mình bị trêu chọc ở trường dài lê thê nhưng thoáng cái đã đến kỳ thi tốt nghiệp rồi. Những buổi học đã kết thúc một cách chóng vánh đến không ngờ, rồi chẳng bao lâu nữa là kỳ thi đại học. Cường quyết định sẽ tỏ tình với Sương sau khi tốt nghiệp xong, quyết định này được cậu đưa ra sau bao nhiêu ngày đêm suy nghĩ. Thi tốt nghiệp xong thì lớp 12 Sinh lại họp nhau lần nữa tại nhà thầy chủ nhiệm, hôm ấy vắng mặt hai người là Hùng béo và Sương. Sau này thi đại học xong Cường còn gặp lại Hùng béo, cậu hỏi nó tin tức về Sương không thèm tỏ ra ngại ngùng gì nữa. Nhưng Hùng béo bảo là cũng chẳng biết Sương đã đi đâu nữa, từ ngày thi tốt nghiệp xong chẳng thấy nó ở nhà chắc nó đã ra thành phố ở nhà bà con luôn rồi. Cường thấy sốc lắm, cũng buồn nữa cậu trách mình vì sự nhút nhát của cậu giờ nó đã làm khổ chính bản thân cậu. Chỉ có những ai đã từng yêu thương thật lòng mới hiểu nỗi nhớ trong tình yêu nó như thế nào, Cường nhớ Sương như thể sắp phát điên lên được. Nhiều lúc nhớ Sương quá Cường lấy xe phi đến nhà Sương nhưng chỉ dám đứng trước cổng ngắm nhìn những bụi hoa Hồng trong vườn nhà nàng rồi lại quay về.

Tối hôm ấy Cường nhận được tin nhắn từ một số máy lạ, tâm trạng đang chán nản cậu chẳng muốn đọc tí nào nhưng thật sự nếu không đọc chắc cậu còn cậu còn chán hơn.

“Những gì thiên hạ đồn có đúng không Cường, bạn thích Sương thật không?”

Cường không trả lời mà nhắn tin hỏi lại.

“Bạn là ai?”

“Sương chứ ai nữa?”

Như không tin nổi vào mắt mình, Cường đọc đi đọc cái tin nhắn nhưng để xác định cho chắc chắn cậu liền gọi ngay vào số máy lạ. Sau một hồi chuông dài, một giọng nói nhẹ nhàng quen thuộc vang lên.

“Không gọi, nhắn tin thôi nhé!”

Nàng cúp máy, đúng là Sương thật. Cường vừa mừng vừa sợ, lấy lại bình tĩnh mất năm phút sau cậu mới nhắn lại.

“Người ta đồn đoán hình như đúng lấy, Cường rất mến Sương!”

Nhắn xong Cường vứt điện thoại lên giường, úp mặt vào gối sợ và mong tin nhắn đến, rồi cậu cũng chẳng phải chờ lâu gì, Cường nín thở mở tiếp tin nhắn mới ra đọc.

“Chỉ là mến thôi sao? Cường đến nhà Sương mỗi ngày mà chỉ là mến thôi à?”

“Không phải, Cường thích Sương lắm, Cường rất nhớ Sương… mà như vậy có phải là yêu không?”

“Sương cũng không biết như thế gọi là gì, Sương cũng thế mà, nhớ tới Cường luôn luôn”.

Cường sung sướng muốn hò hét cho căn phòng vỡ tung ra nhưng sợ bố mẹ đang ngủ mắng nên cố gắng kiềm chế. Cậu nhắn lại cho Sương mừng đến nỗi tay cứ run lẩy bẩy, mấy lần đánh rơi chiếc điện thoại xuống.

“Sương đang ở đâu? Trước vì sợ mấy đứa trong lớp nên Cường không dám nói, giờ thì Cường không sợ nữa chúng mình cứ …yêu nhau, không sợ!”

Phải một hồi lâu sau Cường mới nhận được tin nhắn trả lời lại của Sương.

“Sương không có ở nhà, Sương đang ở nhà bác dưới thành phố rồi”.

“Trời, thế sao Sương biết Hùng đến nhà Sương?”

“Thằng Hùng béo bảo mà”.

“Trời ơi, vậy thế khi nào mình gặp nhau được? Cường nhớ Sương nhiều lắm!”

Lại một lúc lâu sau đó nữa Cường mới nhận được tin nhắn của Sương nhắn lại.

“Tháng sau Sương đi Úc, đi theo gia đình bác định cư ở bên đó, chẳng biết bao giờ trở lại nữa”.

Cường như chết lặng, cậu cầm cái điện thoại mà tay cứ run run không sao nhắn nổi mà cũng không biết nhắn cái gì lại cho Sương nữa. Tình yêu mà cậu vừa tìm được lại sắp rời xa cậu, ôi cậu ước gì có đôi cánh để có thê bay đến chỗ Sương, được gặp Sương một lần, được nắm tay Sương… nhưng tất cả đã thành một mong ước xa xôi. Hai tuần nữa là sang tháng sau rồi còn gì, từ đây đến hết tháng Sương không trở lại quê nữa mà ở lại thành phố để chuẩn bị đi Úc luôn. Cường thấy chân tay dã dời, thấy như có tảng đá nặng trịch đè lên ngực… và Sương nơi ấy nàng cũng thế thôi, nàng đang khóc nữa. Cả hai đều thấy tiếc nuối khi nhận ra hình như mình đã biết yêu. Hóa ra tình yêu nó là như thế đấy, là nhớ nhung kể cả khi gần nhau, xa nhau nỗi nhớ ấy lại càng nhiều hơn nó còn kèm theo cả nỗi đớn đau trong trái tim nữa… Cả đêm đó Cường và Sương thức trắng để nhắn tin cho nhau và hứa hẹn nhiều lắm, hẹn nhất định sẽ luôn liên lạc, sẽ luôn nhớ nhau, yêu nhau. Hẹn khi nào đủ 20 tuổi sẽ gặp nhau tại một thành phố biển miền Trung vào một mùa hè đầy nắng. Hai tuần tiếp theo cũng thế, hai bạn trẻ không ngừng cùng nhau xây lên nhưng ước mơ lung lình về tương lai. Cho đến khi máy bay của Sương cất cánh, đường liên lạc bị cắt thì những tín nhắn mới tạm thời bị gián đoạn. Chia tay Cưởng khóc, Sương càng khóc nhiều vì nỗi nhớ thương.

Một thời áo trắng

Thanh thân thiện và hiền hòa. Là một trong số ít những đứa con gái trong lớp không tỏ vẻ điệu đàng, yểu điệu trước mặt bọn con trai. Dù Thanh không lọt vào top hot-girl của lớp nhưng những lần tôi lặng lẽ ngắm cô nàng, thầm thấy, cậu ấy cũng xinh xắn đó chứ! Những đường nét dịu dàng và nữ tính. Tóc buộc ngang vai, đôi khi để xõa ra. Làn da trắng như sứ. Môi hình tim…Đặc biệt, tôi dừng tâm lưu nhớ nhất ở nụ cười răng khểnh như tỏa nắng ấm của cô bạn. Khi bắt gặp hình ảnh của Thanh ở đâu đó, trong bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Mỗi khi cô nàng bặm môi, nhăn mặt lúc gặp phải bài tập khó nhằn. Khi Thanh tám chuyện với hội bạn thân. Hay khi một sớm tôi thấy cô trực nhật lớp…Tôi đều thấy vẻ lạc quan, yêu đời, sức trẻ toát ra từ cô bạn. Những điều đó không dưng khiến trái tim tôi bỗng trào dâng đầy hứng khởi.

3. Rồi năm tháng qua đi mau chóng. Hết mùa Hè lớp 10, chúng tôi lại mong ngóng lên lớp 11. Khi đã lên lớp 12, phải đối mặt với biết bao lo toan nhọc lòng khác. Trong suốt gần ba năm qua, chúng tôi vẫn ngồi chung bàn với nhau, vẫn là đôi bạn thân cùng tiến. Rồi chúng tôi cũng đứng trước ngưỡng của cuộc đời. Là chọn trường và làm hồ sơ thi đại học. Tôi gặng hỏi Thanh:

“Năm nay cậu sẽ nộp hồ sơ vô trường nào thế?!”

“Tớ….À, còn cậu?”

“Tớ thi bên Học Viên Báo Chí, khoa ngôn ngữ Anh.”

“Còn tớ sẽ cố gắng thi hai khối. Ban A, tớ sẽ thi sư phạm Hóa. Còn ban B tớ thi Dược.”

“Wow! Tớ rất bất ngờ khi cả hai ngành cậu chọn lại không hề liên quan đến viết lách. Tại sao thế?!”

“Vậy cậu nghĩ tớ sẽ hợp với nghiệp viết lách sao?”

“Ai bảo cậu cũng có duyện với báo chí mà. Tớ thấy cậu có bài đăng báo thường xuyên trên Hoa Học Trò, Người Trẻ Việt, Trà Sữa Cho Tâm Hồn…mà. Đâu phải, người trẻ nào cũng có lối suy nghĩ, hành văn và được duyệt bởi những tờ báo lớn cho teen như cậu đâu?”

“Sự thật là tớ rất thích viết. Với công việc viết, nó là niềm vui thú của riêng tớ rồi, nhưng…”

“Sao cậu???”

“Tớ nghĩ về lâu dài, biết đâu, tớ sẽ không thể còn những cảm xúc để viết truyện được nữa. Tớ muốn một công việc ổn định về sau này, thứ đến mới là viết lách. Tớ vẫn sẽ viết khi còn có thể mà. Cậu ủng hộ tớ chứ?”

“Có chứ! Nhất định rồi mà!”

“Những công việc mà tớ yêu thích như viết lách, vẽ vời…đa phần là dựa vào cảm xúc, cảm hứng là chính yếu. Như vậy, ta rất dễ có những thói quen tùy tiện và nuông chiều cảm xúc. Kiểu hứng lên thì làm. Và chỉ làm tốt nhất khi có cảm hứng. Ngược lại, sẽ thật tệ hại khi mà cảm xúc trong tớ bị đình công và cạn kiệt dần đi. Lúc đó, có thể tớ sẽ bất lực với chính bản thân mình.”

Tôi tiu nghỉu nhìn Thanh. Thế là xong màn hỏi dự định hướng nghiệp.

Đó là lần đầu tiên tôi thấy cô bạn thân của mình nom có vẻ “cụ non” đến vậy. Khi ấy, tôi nhận ra đằng sau vẻ dịu dàng tưởng như yếu ớt của cô nàng đó lại luôn ẩn chứa những suy nghĩ chín chắn với những bước đường được hoạch định ra để lấp đầy những năm tháng tuổi trẻ ý nghĩa của cô bạn. Để mọi thứ không trôi qua trong vô ích, lãng phí và tiếc nuối. Cũng từ đó, mà trong đầu tôi như vỡ ra đôi điều cho riêng bản thân mình, về những ngày quan trọng sắp tới của cuộc đời mình. Cái nhìn về cô bạn thân có đôi phần đổi hướng mà thay vào đó là cộng thêm một chút nữa ngưỡng mộ và yêu thương.

Chúng tôi cùng nhau bước vào kì thi cuối cấp. Trông ai cũng trở nên bận rộn “chạy show” như những teen-star từ lớp học chính khóa sang lớp học phụ đạo bên ngoài trường. Rồi còn bù đầu với cả đống đề cương, sách vở. Tôi nhẩm tính vui vui là: nếu thử đặt những đống sách vở, giấy tờ đó lên bàn cân, khéo không ngờ nó còn nặng hơn cả trọng lượng cơ thể của những cô cậu học trò bỗng tụt kí, gày sọt đi trông thấy. Ba mẹ, người thương nhìn qua cũng thoáng xót lòng thay.

Tôi và Thanh thực sự không có thời gian để gặp mặt nhau nhiều. Hai chúng tôi học khác khối thi. Tôi lại thường xuyên đến trường vào những lúc sát rạt giờ học. Rồi trống tan trường một cái, tôi lại phải lủi nhanh tới lớp ôn luyện sớm, khi mà chưa ai kịp dáo dáo tìm hoặc kịp gọi tên tôi. Tôi vốn biết, Thanh cũng không khả dĩ hơn chút nào. Cậu ấy lại thi hai khối nữa. Chúng tôi quay cuồng với những bộ đề thi, hồ sơ, giấy tờ…Biết là thầm thương nhau nhiều, nhưng cũng còn nhiều những khó khăn, trắc trở chúng tôi cần đủ can đảm, mạnh mẽ vượt qua. Rồi thì, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua thôi mà.

Kì thi tốt nghiệp THPT qua đi nhanh chóng và nhẹ nhàng vào những ngày đầu tháng 6. Tất cả học sinh của tập thể lớp 12B4 của chúng tôi đều vượt qua kì thi chung đó êm đẹp. Xong. Và giờ đã đến lúc nói lời tạm biệt mãi mãi với một thời áo trắng hồn nhiên. Cuộc đời dài rộng phía trước chúng tôi sẽ cùng bước, nhưng trên con đường và chọn lựa riêng của mỗi người.

Thú nhận là tôi rất nhớ Thanh. Nỗi nhớ có thật, mặc dù tôi vẫn nhìn thấy cô bạn mỗi ngày, qua ảnh trên FB thôi. Nhưng tuyệt nhiên chúng tôi không thể còn ngồi lại chung bàn với nhau được nữa. Đó là sự thật đắng lòng. Rồi chẳng hiểu làm sao, tôi tự hỏi, nếu mai này…khi tất cả chúng tôi rồi cũng phải bất đắc dĩ chia xa nhau mà thôi. Chỉ nghĩ tới đó thôi, không hiểu sao tôi thấy buồn đến tê lòng.

Lễ tốt nghiệp- Made in 12 diễn ra trong niềm vui, nước mắt, nụ cười đan xen…Chúng tôi trao nhau những lời chúc, nhắn gửi, thủ thỉ với nhau những lời yêu thương sau cuối của đời học sinh trong những giây phút còn may mắn được ngồi nán lại trên ghế nhà trường. Để kịp ghi nhớ lại những gương mặt đã từng thân quen. Những chữ kí ngộ nghĩnh, ngố tàu, sến sẩm… trên vạt áo trắng học trò. Những tấm hình được chụp, có bạn, có tôi, vành mỗi giãn nở nụ cười đấy, nhưng sâu nơi khóe mi mấp mé thứ gì đó trong suốt, ươn ướt, long lanh. Như một cách nuối tiếc thời học sinh đầy hoài niệm.

Bạn bè của tôi ơi, mai sau này, nếu có gặp lại, kỉ niệm còn được gọi tên thành cảm xúc chứ?! Nếu còn liên lạc với nhau là còn quan thiết. Riêng bản thân tôi, sẽ còn mãi coi trong và trân quý tình bạn, những khoảnh khắc khó quên lúc này về sau này nữa. Yêu thương tất cả mọi người.

5.Một ngày được nghỉ học tại lớp học ôn của thày Hòa. Tôi đã mạnh dạn và lấy hết can đảm để bấm số của Thanh. Những dòng âm thanh tút tút đổ dài làm tôi bối rối và thấy có không ít sốt ruột, mong ngóng. Nhưng rồi, đầu dây bên kia bỗng trả lời, vẫn với giọng nói nhẹ nhàng thường trực của cô bạn trước đây:

“Alo, Vinh gọi đó hả? Tớ nghe nè.”

“Thanh à, cậu có đang ở nhà không đấy, hay đang đi ôn?!- Giọng tôi cứ ấp a ấp úng và nghe ngốc xít vô cùng.

“Ừ, tớ đang ở nhà đó, Vinh.”

“À mà, cậu…cậu có rảnh chút xíu không?”

“Có! Chiều tớ không có giờ tới lớp.”

“Thế thì…tớ đến nhà cậu, để….Vì hình như, tớ nghe bảo cậu sắp đi đúng khônggggg?”

“À, thế thì cậu đến nhé! Chiều nay, tớ sẽ đãi cậu bánh tiramisu trà xanh nhé! Cậu nhớ đến nếm thử nhé! Không mai này không có cơ hội đâu đấy! Biết không?”

Rồi tôi ừ hữ, trả lời Thanh và hẹn với cậu chừng khoảng 30 phút nữa sẽ có mặt. Trong lòng tôi vui như nhảy dựng lên. Chắc chẳng thể nào đếm nổi trong bụng tôi lúc ấy có cả vô số “lá cờ” đang “mở” phấp phới trong bụng. Và tôi đi. Đặt bịch quà đã tự tay mình chuẩn bị sẵn vào giỏ xe. Tôi guồng chân đạp những vòng xe nhịp nhàng bon bon trên cung đường quen thuộc. Miệng hát vu vơ giai điệu nào đó vui tươi lắm!

“Bước xuống phố, trái tim rộn vang hân hoan.

Hát câu yêu đời…”

Nhà Thanh cách nhà tôi hai dãy phố và một khúc quẹo trái là tới nơi rồi. Mái nhà của cô bạn rợp bóng lá sa-kê bung xòe trước cổng xanh mát lành hiện ra trước mắt tôi. Nhấn phanh dừng hẳn lại, tôi với tay phải nhấn chuông cửa. Tay trái vẫn cầm chặt túi quà. Lúc ấy, không hiểu sao, tôi lại thấy bàn tay mình run nhẹ, một cảm giác hồi hộp xâm chiếm tôi bất thường.

Kính coong. Kính coong…

“A cậu đến rồi hả? Vào nhà mau đi, nay trời nắng to quá hà!”- Sự nhiệt tình, hiếu khách được biểu hiện trên gương mặt của Thanh cùng nụ cười sáng tươi đã làm tôi bớt đi phần nào chút hồi hộp ban nãy. Tôi nhoẻn miệng cười thật tươi đáp lại cô ấy.

” Cậu uống cho vơi cơn khát này.”- Tôi mau lẹ đón lấy cốc nước chanh mát lạnh từ tay Thanh. Hình như cô bạn đã chuẩn bị từ trước đó rồi.

“Sao đến nhà chơi với tớ mà còn mang theo nhiều quà cáp lỉnh kỉnh thế kia?”

“Đâu có gì đâu”- Tôi lại chợt thấy lung túng kinh khủng.

“Cho tớ xem được không?”

“À, ừ, được chứ! Quà cho Thanh mà.”

“A! Ô mai sấu, cốm xanh…Ủi ôi, ngon lành quá!”

“Hey! Đừng bóc chúng vội nhé! Tớ muốn tặng cậu mấy món đặc sản Hà Nội này để sắp tới khi đi học xa, cậu nhớ mang theo nhé, được không? Mai này vô Sài Gòn rồi, đến với ngôi trường mới, cậu cũng phải có tý chút quà ra mắt, làm quen với bạn bè trong ấy chứ! Cậu hãy giới thiệu những món quà vặt nho nhỏ, bé xinh này cho họ nghe bằng tất cả tình yêu thương của một người con gốc Hà Thành, kể cho các bạn ấy biết đôi phần nét đẹp của một thành phố yêu quý của chúng ta, về mái trường KSB và những người bạn nữa, được không Thanh?”

” Ý kiến của cậu thật tuyệt vời. Và tớ cũng đang có ý định sẽ cùng mẹ đi lựa chút quà mang theo đó! May mắn và trùng hợp thay. Tớ cám ơn cậu về những món quà đáng yêu này. Cậu quả một cậu chàng chu đáo và tâm lí! Sẽ thật may mắn cho…”

“À, không có gì đâu!” Tôi cắt ngang lời của Thanh ở lưng chừng như thế, chẳng kịp nghe vế sau đó Thanh sẽ nói gì, à mà cũng không thấy cô bạn có nhã ý nhắc lại. Đành cho qua đi vậy.

Nhưng ý nghĩ sớm muộn gì rồi cô bạn thân của tôi cũng rời khỏi Hà Nội và tôi, để đi đến vùng đất mới, tôi thấy buồn đến tê lòng. Rồi không dưng tôi ngồi ngẩn người ra, cho đến khi cô bạn gọi với tên tôi lên:

“Này, này, Vinh à! Cậu đang nghĩ vẩn vơ gì thế?”

“À không!”- Tôi lấp liếm, giấu nhẹm đi nỗi buồn vào sâu trong lồng ngực.

“Là tớ đang thử tưởng tượng xem, Sài Gòn nom sẽ như thế nào ý mà?”

“Có gì vô đó tớ sẽ chụp ảnh gửi về hòm mail cho cậu ngắm được mà. Cậu có thể yên tâm đi. Vì là bạn thân lên tớ sẽ nhất định enjoy Sài Gòn cùng cậu, ít ra là qua những bức hình, qua góc nhìn của tớ. Cậu tớ nhé! Sớm thôi hà.”

“Ừ, tớ đợi được mà.”- Tôi cố nói để giấu đi cái giọng buồn thảm như muốn chảy nhão của mình lại. Rốt cuộc, cô gái nhỏ của tôi vẫn đi thôi. Không có gì thay đổi được. Đâu đó, có nhịp buồn xông nhẹ lên tim. Trôi nhẹ đi một khoảng thời gian, tôi cứ bâng khuâng đưa mắt ngắm nhìn căn phòng khách nhà Thanh như để ghi nhớ lại không gian ấy. Biết đâu, phải thật lâu nữa tôi mới có dịp quay lại nơi này. Hoặc biệt đâu, không thể quay lại, mãi mãi.

“Cậu có muốn ăn thử chút bánh Tiramisu vị trà xanh- một thử nghiệm làm bánh mới của tớ?”

“Okie cậu! Cho tớ nếm với nhé!”

“Đợi tớ chút xíu nhé!”

Mẻ bánh Thanh mang lên thơm ngon dậy mùi. Những chiếc bánh xinh xẻo được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của cô gái dịu dàng mà bao năm tôi đã may mắn được làm bạn.

“Cậu ăn đi nàyyyyy.”-Tôi há miệng, đón lấy miếng bánh từ muỗng của Thanh. Tôi nhấm nhẳng bảo:

“Liệu đây có phải miếng bánh cuối tớ được nếm không?”

“Cậu đừng nghĩ vậy! Tớ sẽ rất nhớ cậu mà. Đừng bao giờ quên tớ nhé! Cậu bạn thân nhất của tớ. Có dịp, nhất định tớ sẽ về Hà Nội mà. Lúc đó, cậu có ra đón tớ không đây?”

“Ừ, Hà Nội và tớ sẽ đợi cậu về vào một ngày không xa.”

Tôi bỏ thêm miếng bánh vào miệng. Vị tiramisu trà xanh tan quyện trong miệng mịn màng và đắng ngọt.

Tôi chào thân ái Thanh. Rồi chúc cậu an lành- thành công và trở về nhà. Những vòng xe đạp chậm chạp và trễ nải. Sau lưng, những vạt nắng chiều buông hắt hiu. Rốt cuộc, tôi đã không thể làm được theo như ý định đã hoạch định sẵn trong đầu, ngoài lời chào tạm biệt và đôi món quà nhỏ. Phong thư gấp làm đôi vẫn nằm im trong túi áo khoác mỏng mà tôi đã bối rối và thật ngốc nghếch để không biết thốt thành lời nào để gửi tặng cho Thanh. Phong thư chỉ viết vỏn vẹn dòng chữ nắn nót: “Có thể cậu không biết! Tớ đã từng rất thích cậu.”. Đó là bí mật cần được nói ra, nhưng tôi đã nghẹn ngào ngôn từ mà không thể. Rõ ràng nó như nỗi buồn rơi xuống trên tôi. Rồi Thanh sẽ đi, đến một nơi xa tôi cả nghìn km đường chim bay.

Mùa xuân đẹp nhất

Mới vào đầu kỳ nên thư viện còn vắng, chỉ lác đác một vài sinh viên năm cuối làm khóa luận, một vài cô cậu mọt sách chăm chỉ, không gian yên tĩnh và ấm áp. Những buổi chiều như thế, tôi thường hay thấy em ngồi ở một góc quen thuộc, đọc cuốn sách cũ trên bìa có vài ký tự tiếng Hán. Em có khuôn mặt tròn với đôi má bầu bầu dễ thương, đôi mắt đen long lanh thoang thoáng buồn, mái tóc dài xõa xuống mà thỉnh thoảng trong lúc chăm chú đọc sách, em lại đưa tay dịu dàng vén lên. Không biết từ bao giờ tôi có thói quen mỗi lần lên thư viện lại len lén nhìn em đọc sách, phong thái nhẹ nhàng, từ tốn ấy thu hút ánh nhìn của tôi hơn bất kỳ cô gái hiện đại vội vã nào. Góc phòng phía đó cứ như một thế giới của riêng em, ánh đèn vàng ấm áp, những cuốn sách Trung Hoa, Hán ngữ cũ đã nhạt màu, sự trầm lặng thanh nhã mà tôi hiếm khi thấy ở những cô gái hai mươi bây giờ.

Hôm nay mưa nặng hạt hơn và trời rét hơn, thời tiết như cô nàng phụng phịu lưu luyến mùa đông, chứ chưa chịu chuyển mình sang hẳn mùa xuân. Thư viện cũng vắng vẻ hơn, cả phòng đọc lớn có mỗi tôi và em, bốn phía đều là sự yên ắng vô tận. Em đang với tay lấy cuốn sách ở giá trên cùng nhưng không tới, thủ thư lại không có ở đây, tôi thấy em kiễng chân lên mấy lần, nhưng không chạm được đến sách ở giá ấy. Tôi nhìn em, khẽ mỉm cười, rồi bước đến giúp em.

“Bạn cần cuốn nào? Mình lấy hộ bạn nhé.”

“Mình muốn lấy cuốn màu lam trên kia. “

Em cười, rồi cảm ơn tôi, mặt thoáng vẻ ngại ngùng.

Nụ cười hiền dịu nhẹ nhàng khiến tôi thấy trong lòng vui vẻ kỳ lạ, như thể lúc này tôi mới thực sự cảm nhận được hơi thở đầy nhựa sống của mùa xuân, không khí bao quanh ấm áp trong cái rét ngọt ngào. Tôi không rõ đây là cảm giác gì, chỉ thấy lòng mình êm ái mà tươi vui, mọi thứ trở nên dịu dàng và đầy sức sống như mùa xuân đẹp đẽ và mê luyến.

Trời tối dần và mưa lại nặng hạt hơn, lục tìm trong ba lô mãi mới nhớ ra mình quên mang ô, tôi đứng trước cửa thư viện ngao ngán thở dài. Đang định đội mưa ra phía nhà xe thì nghe thấy giọng nói có chút quen quen:

“Bạn đi ra nhà để xe phải không? Để mình đưa bạn đi?”

Em nói và mở ô ra che cho tôi. Tôi gật đầu, cảm ơn em rồi cầm ô hộ em. Tôi làm quen, rồi mới biết em học khóa dưới, nhưng cùng ngành với tôi. Hôm ấy gió lạnh và mưa buốt vào mặt, nhưng không hiểu sao tôi cứ thấy lòng mình vui vẻ lạ kỳ.

Bằng chút thông tin ít ỏi biết được từ buổi chiều hôm ấy, tôi tìm mọi cách để có được link facebook của em, tên lớp truyền thống của em, cả những môn em sẽ học trong kỳ này và lịch học ra sao. Tôi khẽ nhấp chuột gửi lời mời kết bạn và lặng lẽ chờ đợi. Có gì đó hồi hộp, nôn nao hơn bình thường.

Một chấm xanh mới sáng lên bên hộp chat của tôi, tôi cười tươi nhìn vào dòng tin nhắn em vừa gửi và gõ phím trả lời. Tôi cứ thế lướt trên trang facebook của em, đọc từng dòng trạng thái cũ, xem những bức ảnh có hình em, xem cả những câu chuyện của em năm trước, năm trước nữa. Tôi không biết tại sao mình lại trở nên hiếu kỳ một cách bất thường đến vậy, tôi muốn biết mọi thứ về em, về cuộc sống của em, bạn bè em và cả những người xung quanh em. Em bảo em thích tiếng Hán, và kể cho tôi nghe về ước mơ du học ở Trung Hoa, thưởng thức văn hóa của một đất nước mà trước nay tôi và em đều chỉ được ngắm nhìn qua những thước phim truyền hình. Tôi đi mua vài cuốn giáo trình và từ điển Hán ngữ, mày mò những trang tự học tiếng Trung trên mạng, rồi xem những bài giảng trên youtube, và lao vào học tiếng Hán như một tên hâm dở người. Thỉnh thoảng tôi lẻn vào vài lớp học có em, ngồi ở một góc không để em thấy, và chăm chú nhìn em nghe giảng. Những buổi học như thế ngày một nhiều lên, và tôi thấy thích thú lạ lùng lắm, thích luôn cả những môn học mà em đăng ký, mặc dù trước đây tôi từng học qua và không thấy ấn tượng gì. Tôi dường như thấy yêu trường hơn và mỗi ngày đều chỉ mong được đến lớp.

Một lần bị em phát hiện, lúc tôi quay đầu bước ra khỏi lớp, em gọi từ phía sau:

“Anh Phong”

Em cười tươi rồi bước về phía tôi. Vẫn giọng nói thanh nhẹ dịu ngọt và nụ cười hiền hòa khiến tôi nhớ mãi.

“Anh cũng đăng ký học môn này ạ? Sao em nhớ hôm nhập môn chia nhóm không thấy tên anh nhỉ?”

Tôi lúng túng gãi đầu cười xòa:”À..ừ… Anh học xong rồi nhưng mà.. anh thích môn này nên đi nghe lại ấy mà”

Sau lần đó, tôi cố gắng giảm tần suất xuất hiện ở lớp em, như kẻ vụng trộm lén lút bị bắt gặp lại vội vụng về giấu diếm. Nhưng rồi không được gặp em, không được nhìn thấy em, tôi lại thấy khó chịu lạ thường, cả ngày làm gì cũng không yên, chốc chốc lại mở facebook vào trang cá nhân của em, đọc đi đọc lại những dòng trạng thái cũ, đến nỗi tôi tưởng như mình có thể thuộc hết tất cả những gì có trên trang facebook ấy. Tôi kiếm cớ bắt chuyện với em, những câu chuyện xoay quanh tiếng Hán, nhạc Trung, hay những món ăn nổi tiếng của đất nước ấy. Sau những lần trò chuyện như thế, em ngỏ ý muốn dẫn tôi đến một nơi mà theo em bảo là đậm đà văn hóa Trung Hoa.

Chiều hôm ấy trời lạnh, mưa xuân lất phất bay trong gió nhẹ, tôi đứng đợi em tan học và chở em đi. Đó là một quán trà hai tầng trong ngách nhỏ, không gian ấm cúng với thiết kế pha trộn giữa màu sắc hiện đại và đường nét cổ kính. Ở tầng trên giống như một phòng sách thu nhỏ, xung quanh được xếp nhiều giá sách với những cuốn sách cũ nhạt màu có cả tiếng Trung và tiếng Việt. Dưới ánh đèn vàng nhàn nhạt, trong không gian của những bản nhạc Hoa nhẹ nhàng, em khẽ nghiêng người dựa vào tường và hát theo một vài giai điệu quen thuộc:

“有人问我你究竟是那里好

这么多年我还忘不了

春风再美也比不上你的笑

没见过你的人不会明了”

(Có người hỏi tôi em rốt cuộc tốt ở điểm nào

Nhiều năm vậy rồi tôi vẫn chẳng thể quên đi

Gió xuân đẹp nữa cũng không bằng nụ cười của em

Người chưa gặp em sẽ không hiểu được đâu)

Khoảnh khắc ấy, tôi thấy xung quanh như ngập tràn sự ấm áp và lan tỏa thứ men say ngọt ngào không thể gọi thành tên. Trong một thoáng chốc, tôi nhận ra mình dường như đã mê mẩn cô gái trước mặt mất rồi..

“Anh Phong. Làm gì nhìn em mãi thế. Trà ngấm rồi này, anh thử đi”

Tôi giật mình như vừa bị kéo khỏi giấc mộng êm ái, thấy mặt mình tự nhiên nóng lên một cách kỳ lạ. Tôi cúi mặt uống một mạch hết chén trà nóng, không dám ngước lên, nhưng hình như cảm nhận được em đang nhìn tôi, bằng ánh mắt và nụ cười dịu dàng..

Sau hôm ấy, tôi trở thành kẻ mặt dày, vào học những lớp em học, lên thư viện mỗi chiều để được gặp em, mỗi tối nhất định kiếm cớ để nói chuyện với em, và không thể thiếu đi việc tự học thêm tiếng Hán mỗi ngày. Những việc mà người khác nhìn vào tưởng như tôi là kẻ hâm hoặc tên ngốc lại khiến tôi cảm thấy cuộc sống của mình vui hơn và có ý nghĩa hơn. Mỗi ngày nhìn thấy em, tôi lại thấy mình có thêm động lực để cố gắng, mỗi lần nghĩ đến nụ cười dịu dàng và giọng nói thanh ngọt ấy, tôi thấy trời đất quanh mình đều đáng yêu như những cơn mưa mùa xuân êm ái. Có lần em hỏi, tôi là dân chuyên Anh, tại sao lại biết nhiều về Hán ngữ như thế, tôi cười xòa, không biết trả lời em như thế nào.

“Anh cũng chỉ biết chút chút thôi”

“Hay là anh nói tiếng Trung cho em nghe thử đi. Em chưa nghe anh nói tiếng Trung Quốc bao giờ.”

“.. 我喜欢你”(Anh thích em)

“Đấy, tiếng Trung đấy. Anh phát âm đúng không?”

“Đúng. Giọng anh nói ngoại ngữ hay phết đấy”

***

Sinh nhật em, tôi tặng em một cuốn sách về văn hóa Trung Hoa cổ đại với lời đề tặng vỏn vẹn bốn chữ: “我喜欢你”. Tôi và nhóm bạn thân của em tổ chức cho em một buổi sinh nhật nho nhỏ tại quán trà em từng đưa tôi đến. Hôm đó em mặc bộ váy màu trắng, áo khoác màu hồng phớt, nhìn xinh đẹp và thanh nhã thuần khiết như cô gái của mùa xuân dịu dàng. Tan tiệc, tôi chở em về đến nhà, em ghé sát vào tai tôi nhỏ nhẹ thì thầm: “我也是” (Em cũng thích anh).

Em bước vào nhà rồi mà tôi vẫn còn ngơ ngẩn mãi. Tôi chạy xe về nhà mà trong lòng hân hoan hớn hở cười như kẻ được mùa. Trời đêm mưa phùn gió lạnh nhưng tôi dường như chỉ thấy sự tươi mới ấm áp trong thế giới của mình mà thôi.

Nhưng niềm hân hoan ấy chẳng kéo dài được lâu, khi mà tôi vừa về đến nhà đã thấy cả ba và mẹ ngồi chờ với vẻ nghiêm nghị khác thường. Tôi không biết chuyện gì xảy ra, chỉ là có dự cảm không lành.

“Con vào đây, ba mẹ có chuyện muốn nói với con”

Tôi lờ mờ đoán ra được, bởi trước nay cả đại gia đình tôi đều theo kiểu lễ giáo truyền thống, cuộc sống đa phần bảo thủ phong kiến, kể cả trong chuyện học hành, yêu đương hay kết hôn của con cái. Tôi từng chứng kiến chị họ tôi vì ý kiến của hai bác mà phải lấy người mình không yêu, sống cuộc sống mình không muốn. Ba tôi cũng là người bảo thủ, lại là người làm việc cho cơ quan nhà nước, trước nay đều “dị ứng” với những điều liên quan tới Trung Quốc, đặc biệt là sau hàng loạt những câu chuyện không hay về người và nước Trung Hoa. Tôi biết điều đó, nhưng không biết tại sao ba mẹ lại biết về em, càng không nghĩ chuyện lại tới mức như vậy.

Ba đánh tôi.

Tôi chịu được. Ngồi im chịu đựng và không nói lời nào.

“Tao đã bảo là còn đi học thì không được yêu đương vớ vẩn. Mày có biết nhà nó như thế nào không hả? Ba nó nghiên cứu sử học Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, người ta bảo nó sau này còn đi du học bên đó.. Mày..mày..”

“Ba, đâu phải cái gì của Trung Quốc cũng xấu..”Tôi còn chưa nói hết câu, ba lại giơ tay ra định đánh tôi, nhưng tôi còn chưa kịp chịu đựng thì ba tôi đột nhiên ngã xuống. Má tôi hốt hoảng đỡ ba “Ông ơi, ông ơi…. Phong, gọi cấp cứu con ơi, gọi bác..”

Tôi luống cuống vội vàng ấn điện thoại, mọi thứ bỗng nhiên rối tung và tôi không nghĩ được gì khác.

….

Ba tôi bị cao huyết áp, vì quá nóng giận nên mới ngất đi. Ông hôn mê mấy tiếng liền, tới gần sáng mới tỉnh lại. Tôi nhìn ba, nhìn mẹ, tự nhiên thấy trong lòng hối lỗi. Rồi tôi nghĩ đến em, nghĩ đến tối hôm qua với nhiều điều xảy ra tương phản như thế, khoảnh khắc ngọt ngào khi em ghé tai tôi thì thầm câu tiếng trung ấy, khoảnh khắc ba ngã xuống, tiếng còi xe cấp cứu.. Tôi làm sao đối diện với em? Tôi làm sao đối diện với sự thật này?

Ba tôi ở viện nghỉ ngơi mấy ngày, trừ giờ học trên lớp, còn lại tôi đều ở đây với ba. Tôi biết ba vẫn còn giận, vì ông hầu như chẳng nói chuyện với tôi. Mẹ bảo tôi về nhà nghỉ ngơi, tôi gọi thằng bạn thân đi uống bia.

“Mày sao thế?”

Tôi im lặng. Uống hết lon bia, lại im lặng mở lon khác.

“Mày với Linh có chuyện gì à?”

Tôi uống hết lon nữa, cảm thấy hơi men ngấm vào người rồi mới kể chuyện cho nó nghe. Trong lòng vẫn thấy mọi thứ trước mắt chỉ là khoảng trống vô định.

“Thế mày tính thế nào?”

Tính thế nào? Tôi cũng không biết. Hồi chuyện của chị tôi, tôi là đứa nghe chị tâm sự, tôi từng oán trách gia đình vì gia giáo quá khắt khe, mà từ đời ông tôi, đến bác tôi, ba tôi, mức độ bảo thủ hình như chỉ có tăng lên chứ không hề giảm đi. Hồi đó chị tôi bằng mọi cách phản đối, cuối cùng vẫn đành lòng nghe theo ý bác. Tôi trước nay lại chưa từng trái lời ba..

Bệnh của ba lại cần phải tránh kích động nóng giận..

….

Tôi tránh mặt em. Chỉ dám lén nhìn em từ những góc khuất xa em không thấy được. Hộp inbox nhấp nháy báo có tin nhắn chưa đọc, nhưng tôi không dám nhấp vào, vì tôi thừa biết câu hỏi, lại không biết cách trả lời… Tôi lao đầu vào học, đọc sách, đi làm thêm để lấp đầy mọi khoảng trống thời gian trong ngày. Những cơn mưa cuối xuân buồn bã không tưởng, tôi chỉ thấy mỗi ngày trước mắt như một màn sương trắng xóa ảm đạm. Trường treo banner tuyển thành viên cho dự án tình nguyện xa sắp tới, tôi băn khoăn định đi một chuyến dài ngày để tạm xa nơi đây.

Một chiều tan làm, ngang qua quán trà cũ từng đến cùng em, tôi bước vào chỗ ngồi quen thuộc, chọn vị trà quen thuộc, rồi lặng người trầm tư nhìn bầu trời cuối xuân.

“Anh..”

Giọng nói thanh ngọt quen thuộc. Tôi chậm rãi ngước lên, em vẫn thế, dáng vẻ dịu dàng từ tốn mà thanh nhã dễ khiến người ta mê đắm. Khuôn mặt điềm tĩnh khác thường, nhìn vào đôi mắt sâu thẳm ấy tôi có cảm giác tựa hồ như em biết lý do tại sao tôi lẩn tránh em bao ngày qua.. Nếu biết, chắc hẳn là cũng từ đứa bạn chí cốt của tôi.

Em bước đến ngồi cạnh tôi, nhẹ nhàng và im lặng. Tôi vẫn luôn cảm giác rằng em dù hiền lành và dịu dàng đến thế, nhưng trong cách xử sự và đối diện với mọi thứ em lại điềm tĩnh và trưởng thành hơn tôi. Em nắm tay tôi, ngập ngừng như định nói điều gì, rồi lại thôi. Tôi quay qua nhìn em, khẽ vén tóc em rồi nhẹ nhàng hôn lên trán em, nâng niu như cách mà người ta gìn giữ trân trọng một bảo vật sắp không thuộc về mình.

“Anh xin lỗi. Anh đi đây”

Tôi lao ra cửa rồi phóng xe trên những con đường đầy mưa. Gió thổi, vài cánh đào cuối cùng nhẹ bay trong mưa rồi rơi xuống, ướt đẫm và úa màu tơi tả. Mọi thứ như thước phim tua chậm, chỉ có tôi là điên rồ tăng tốc trong khung cảnh trữ tình mà bi thương ấy.

***

Tôi trở về, nộp đơn đăng ký chuyến tình nguyện xa của trường. Ngày họp cuối của đội, trời không còn mưa nữa, trong và xanh hơn một chút, chuẩn bị bước vào mùa hạ rực rỡ và náo nhiệt. Tôi nghe loáng thoáng trưởng đội nói gì đó với chị chủ nhiệm, hình như là có chút thay đổi nhân sự. Nhưng tôi không để ý nữa, bởi chuyến đi này, chỉ cần rời xa thành thị ồn ào, mở rộng cuộc sống của mình hơn một chút, để tôi bình tâm hơn mà đối mặt với mọi thứ, là được.

….

Đất trời Tây Bắc tháng tư vẫn còn quyến luyến mùa xuân chưa dứt, không khí lành lạnh và sương mờ bao quanh, cỏ xanh mơn mởn đầy sức sống, hoa ban trắng muốt giữa bạt ngàn núi xanh tạo nên cảm giác thơ mộng vô cùng. Buổi sáng Tây Bắc ngọt ngào và êm ái như một ngày xuân xa xôi, tôi ngồi bên suối ngắm nhìn trời đất miền núi, cảm giác như không gian và thời gian đều đứng lại, cảnh sắc và lòng người đều thanh mát du dương là lạ..

Một giọng nói quen thuộc dịu ngọt vang lên bên cạnh:

“你觉得西北的春天怎么样?” (Anh cảm thấy mùa xuân của Tây Bắc như thế nào?)

Tôi mỉm cười:

“很好啊” (Rất tuyệt vời)

Em, cũng giống như mùa xuân, dịu dàng mê luyến lòng tôi.

Mùa yêu

Khi những bông hoa bằng lăng cuối cùng còn sót lại trên cành cây là lúc tôi chính thức bước vào lớp 12. Cuối cấp, bận bịu với những ca học thêm, những bài tập khó nhằn và bao nhiêu suy nghĩ về tương lai, nhưng tôi vẫn không bỏ được thói quen trầm ngâm hàng giờ trước những bông hoa tím thẫm. Sắc tím ấy vẫn thường đọng lại trong ánh nhìn của tôi với một chút lưu luyến-hoa cuối mùa, đẹp, nhưng nặng trĩu chia ly. Tôi đã từng cố nhìn thật kĩ để xem đằng sau lớp cánh mỏng tang ấy có gì mà khiến lòng người suy tư đến lạ, nhưng dù bao nhiêu lần nâng niu nó trên tay, nhìn nó chăm chú như nhìn một sinh vật lạ, thứ mà tôi nhận được chỉ là một màu tím không lời.

Màu tím đi qua những mùa học trò, màu tím cất giữ những tình cảm còn chưa thành lời, màu tím mang trong nó những miền kí ức riêng của tuổi hoa.

Một lần khi tôi đứng nghiêng mình dưới gốc bằng lăng, mắt không rời những bông hoa bé nhỏ trên cành, cậu khẽ lướt qua tôi, như một làn gió nhẹ nhàng. Tôi không rõ là cậu đã đứng phía sau tôi bao lâu, chỉ là lúc đi qua tôi, cậu kiễng chân lên và ngắt một chút sắc tím trên đó, thả vào lòng bàn tay tôi. Không lời. Cậu nháy mắt, mỉm cười, rồi bước đi như thế, bỏ lại tôi đứng trầm tư với bông bằng lăng nằm gọn trên tay.

Một cuốn sổ nhỏ xinh xắn được tôi chọn làm nơi lưu giữ bông hoa đó-một chút hương sắc cuối thời học sinh!

Năm cuối, tự nhiên lại đổi giáo viên chủ nhiệm, và chúng tôi được tự do chọn chỗ ngồi cho bản thân. Tôi chọn một góc gần cửa sổ, nơi tôi có thể nhìn thấy màu hoa tím, và có thể thấy bóng dáng quen thuộc của ai đó ở tòa nhà bên kia. Nhưng thật không may, hình như chỗ ngồi lí tưởng ấy đã có chủ.

– Cậu có thể nhường cho tớ chỗ này được không?

Tôi nói với Huy, cậu bạn cùng lớp, ánh mắt như thỉnh cầu. Huy mỉm cười:

– Để làm gì vậy? Ngắm anh đẹp trai nào đó ở lớp bên kia chăng?

– À, không phải. Tớ chỉ muốn….

Tôi ấp úng, không biết nói thế nào cho phải. Mặt bỗng dưng đỏ khiến tôi càng ngượng hơn.

– Đây. Một sự ga lăng cho năm cuối.

Huy ngồi dịch vào trong và cười. Đôi lúc tôi cũng không hiểu tại sao nụ cười của cậu bạn lại thu hút cái nhìn của người khác đến thế. Tất nhiên, người khác ở đây không phải tôi, mà là bao nhiêu cô bé mơ mộng khác trong lớp, trường. Họ đều nói, Huy có nụ cười tỏa nắng, và “men” nữa. Huy ngồi cạnh tôi, nhưng tôi chẳng mấy để ý, vì đôi mắt của tôi luôn hướng ra phía ngoài kia, màu tím, và khung cửa sổ của lớp học bên ấy, những thứ đó đủ để tôi chăm chú nhìn suốt buổi học mà không chán.

Đôi khi cuộc sống hiện đại làm người ta quên mất những yêu thương xưa cũ. Bận rộn, bon chen làm người ta tốt lên theo cách này nhưng xấu đi theo một cách khác. Giữa dòng đời nhộn nhịp, tôi vẫn giữ cho mình những nỗi niềm suy tư riêng, như một miền tâm hồn không thể mờ đi theo những bước chân trưởng thành. Và tôi nghĩ tuổi trẻ đều nên như thế, ít nhất là để thế giới rộng lớn này còn có những góc dành riêng cho cảm xúc.

Có thể tôi là một cô bé lạc hậu, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thích nhìn cậu và lẩm nhẩm một vài câu thơ của Đỗ Trung Quân:

“Mối tình đầu của tôi có gì

Chỉ một cơn mưa bay bay ngoài cửa lớp

Là áo người trắng cả giấc ngủ mê

Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp

Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.”

2. Đông

Tí tách…Mưa…

Lại một cơn mưa ập đến, như một thói quen thường nhật của mùa đông, dai dẳng và lạnh giá. Qua khung cửa sổ, tôi vẫn thấy cậu ngồi học bài chăm chú. Có lẽ điều làm tôi chú ý đến cậu chính là dáng vẻ thư sinh, có pha chút mọt sách. Nó khác với những đứa con trai còn lại trong trường. Cậu không quá điển trai, không mang vẻ cậu ấm, không có chiều cao lí tưởng, nhưng tôi vẫn cứ thấy thích thú mỗi khi nhìn gương mặt ấy, kể cả là nhìn qua làn mưa trắng xóa. Mùa đông cuối ở trường cấp 3, hình như lạnh hơn, và mưa nhiều hơn.

Thỉnh thoảng, tôi thích lắp tai nghe vào, để cho những ca từ ngân nhẹ bên tai, còn đôi mắt thì vẫn hướng về phía ấy.

“Có khi nhìn kim đồng hồ quay

Em tự hỏi mình ý nghĩa những phút giây

Nếu ngày ấy vào một phút giây khác

Có chắc mình trông thấy nhau”

Một bên tai nghe của tôi bỗng dưng được gỡ ra. Huy lắp nó vào tai cậu.

– Lúc nào cũng nghe bài này. Cậu không thấy chán sao?

Tôi mỉm cười:

– Khi một thứ đã trở thành thói quen, ta sẽ thích nó nhiều hơn là chán.

Những trận bóng chuyền cuối cùng để chào mừng ngày 20-11. Con trai lớp cậu đấu với lớp tôi. Tất nhiên là tôi có đi xem, nhưng tôi không biết mình sẽ cổ vũ cho bên nào. Rõ ràng là tôi đứng bên hàng cổ động viên của lớp mình, nhưng mắt tôi chỉ hướng về phía cậu. Những cú đỡ bóng khéo léo và chuẩn xác dường như khiến tôi mê mẩn. Cậu liên tục ghi điểm, dù đứng ở vị trí nào. Nhỏ bạn bên cạnh ngạc nhiên nhìn tôi:

– Này, cậu cổ vũ cho bên nào đấy?

Tôi lúng túng:

– À, ừ. Tất nhiên là lớp mình rồi.

Cô bạn của tôi không biết, cậu không biết, và mọi người cũng không biết rằng mỗi trận bóng có cậu, cho dù là vòng loại hay vòng trong hoặc tứ kết tôi đều đến xem, và đứng ở nép một góc nào đó, đủ để nhìn thấy cậu. Đôi khi, hạnh phúc chỉ là những điều nho nhỏ lặp đi lặp lại hằng ngày; quan trọng là ta có cảm nhận được nó hay không mà thôi. Tôi nâng niu những ngày tháng cuối cùng được ở lại dưới mái trường này, những lần cuối cùng tôi được nhìn lén cậu, những chút hạnh phúc và mong ước nhỏ nhoi mà tôi gửi theo ánh mắt của mình.

Lớp cậu thắng, có lẽ tôi là người duy nhất ở lớp đối đầu vui. Tôi bước chân ra khỏi nhà thi đấu, trời đổ mưa. Vẫn định như mọi lần, chịu ướt và về nhà giữa cơn mưa tầm tã, nhưng tôi còn chưa kịp bước xuống sân thì trên đầu tôi đã có sẵn chiếc ô được cầm bởi bàn tay của một người khác.

– Cậu…

– Che chung với tớ nhé. Tớ về cùng đường với cậu.

Tôi có đang mơ không? Cậu ấy đang đứng bên cạnh tôi, rất gần, rất gần… Một cảm giác dịu ngọt nào đó vừa lan tỏa trong lòng tôi, và bỗng dưng tôi thấy ấm áp lạ thường.

Be the first to post a comment.

Add a comment