Danh Sách Tổng HợpKhông có phản hồi

Top 10 Nhà thờ đẹp nhất ở Đà Lạt

Nhà thờ Vạn Thạnh

Danh xưng “Vạn Thành” chẳng biết do ai đặt ra và có từ lúc nào. Về vị trí, Vạn Thành nằm về mạn Tây Nam thành phố Dalat và là một trong vài giáo xứ xa hơn cả so với các giáo xứ khác trong thành phố. Sự hình thành của giáo xứ này gắn liền với biến cố 1954. Ngày 28-10-1955 nhằm lễ Chúa Kitô Vua, cha Giacôbê Ðào Hữu Thọ DCCT khi về học viện DCCT Dalat, có hướng dẫn 20 người đại diện cho 20 gia đình đang tạm cư ở xứ Thánh Tâm Hố Nai muốn lên đồn điền Cam Ly kiếm đất trồng rau, trồng khoai. Ða số những người này trước kia đã ở họ Bút Thượng, xứ Bút Ðông, địa phận Hà Nội, và là con chiên của Cha Thọ.

Khi về đến Dalat, nhờ sự lo liệu của cha, họ được ông chủ đồn điền Cam Ly cho phép khai thác đất hoang trong khu vực đồn điền. Về mặt tinh thần, cha lo cho nhập xóm Kim Thạch, trước thuộc DCCT, lúc đó đang do cha Phêrô Vũ Trí Tri trông nom. Ðến ngày 15-6-1958, vì đường xá cách trở, cha Thọ thu xếp cho họ nhập xứ Du Sinh thuộc quyền cha xứ Bửu Dưỡng Dòng Ðaminh và cha phó Gioan Nguyễn Kim Ngôn. Nhưng vì đường xá vẫn còn xa xôi nên ai ai cũng mong ước có một nhà nguyện tại chỗ để thờ phượng Chúa. Vào ngày Lễ Thánh Giuse 1959, giáo dân phấn chấn khởi công xây cất và đến đầu tháng hoa cùng năm đã hoàn thành được ngôi nhà nguyện. Họ vui mừng nhận Chúa Kitô Vua làm Bổn Mạng và Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp làm Ðấng che chở.

Từ đây, có vẻ Vạn Thành ngày càng có thêm những “thành công thành đạt” phù hợp với danh xưng của mình. Ngày lễ Chúa Kitô Vua năm 1961, họ thật cảm động và thêm niềm an ủi khi vị Chủ Chăn là Ðức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đến dâng Thánh Lễ và ban huấn từ. Ðầu năm 1964, thời cha Rôcô Trần Phúc Long coi xứ Du Sinh, nhiều gia đình khác cũng đến lập cư, nâng số nhân danh đang từ hơn 100 lên 218, và nhà nguyện được nối dài thêm ba gian nữa.

Ngày 8-6-1975 cha Anrê Nguyễn Văn Thành được đặt làm cha xứ và ngày 4-4-1976 cha Tống Ðình Quí làm phó xứ. Ðến năm 1978, nhà thờ được trùng tu và có thêm cung thánh. Từ tháng 9-1991 chỉ còn một mình cha Nguyễn Văn Thành coi sóc cả hai xứ Minh Giáo và Vạn Thành.

Dưới sự quan tâm của giáo phận và sự hướng dẫn trực tiếp của các linh mục phụ trách. Vạn Thành đang là giáo xứ thể hiện đường hướng tốt đời đẹp đạo. Nhà thờ Vạn Thạnh có kiến trúc khá đơn giản chứ không quá đồ sộ, tuy nhiên chính sự đơn giản ấy lại mang đến một phong vị riêng, khiến du khách cảm thấy thân thiện, gần gũi khi đến đây tham quan.

  • Địa chỉ: 9 Hoàng Văn Thụ, Phường 5, tp. Đà Lạt

Nhà thờ chánh tòa (Nhà thờ Con Gà)

Nhà Thờ Chính Tòa, dân địa phương thường gọi là nhà thờ Con Gà (vì trên tháp chuông có cột thu lôi đúc theo hình con gà). Nhà Thờ Chính Tòa được khởi công xây cất từ năm 1931 và hoàn thành năm 1942 với tước hiệu Thánh Nicola Bari, sau được đổi là tước hiệu Ðức Maria mẹ Thiên Chúa. Hình dáng kiến trúc được thiết kế đối xứng theo lối cổ điển, có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. 


Nhà Thờ Chính Tòa có vị trí rất đẹp, tuy không nhìn thẳng xuống hồ Xuân Hương nhưng vì tháp chuông cao nên đứng ở vị trí nào dưới bờ hồ cũng đều thấy được tháp chuông này. Cửa chính của nhà thờ hướng thẳng về núi Lang Biang. Phần áp mái được bố trí bằng 70 tấm kính màu (chế tạo từ Pháp) phác họa các hoạt cảnh Tin Mừng và chân dung các thánh, làm cho không gian thánh đường càng thêm uy nghi, huyền ảo. Trên tường, được gắn các bức phù diêu có kích thước 1 x 0.8m do nhà điêu khắc Xuân Thi thực hiện. Khuôn viên nhà thờ có hàng rào bao bọc khép kín. Ðây là một công trình kiến trúc đẹp và giá trị. Cũng chính đây là nơi thường xuyên tổ chức các sinh hoạt đạo đức của giáo phận và giáo hạt Dalat.

  • Địa chỉ: 15 Trần Phú, Phường 4, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng

Nhà thờ Du Sinh

Chắc hẳn tên gọi của nhà thờ cổ này đã từng khiến không ít du khách phải tò mò. Theo cách phiên âm của cha Bửu Dưỡng, người đã sáng lập giáo xứ tên gọi Du Sinh có nghĩa là Giu-se. Bên cạnh đó cũng có người cho rằng “Du Sinh” là để chỉ nguồn gốc của những cư dân nơi đây, vì họ giống như những dân du mục nay đây mai đó. Có người lại cho rằng “Du Sinh” là nhắc đến tín hữu của Đức Ki-tô về cuộc lữ hành nơi trần thế.


Nhà thờ Du Sinh 
nằm ẩn mình trên một ngọn đồi thuộc đường Huyền Trân Công Chúa của thành phố Ngàn Hoa. Ngôi nhà thờ cổ này được Linh Mục Thiên Phong Bửu Dưỡng xây dựng cho bà con giáo dân di cư từ miền Bắc vào từ năm 1955 đến dịp lễ Giáng Sinh năm 1957 thì khánh thành, riêng tháp chuông thì được hoàn thành vào năm 1962.

Lúc xây dựng nhà thờ Du Sinh, cha chỉ nói sẽ xây tạm thời vì ước mơ của cha là xây dựng nên một thánh đường mang đậm nét kiến trúc Á Đông, nhưng không lâu sau đó cha Bửu Dưỡng phải thuyên chuyển công tác nên ước mơ không thành. Nhà thờ được bảo tồn và lưu giữ cho đến ngày nay nó đã trở thành một trong những điểm đến lý tưởng tại Đà Lạt.

  • Địa chỉ: 12B Huyền Trân Công Chúa, Phường 5, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng

Nhà thờ Cam Ly

Nhà thờ Cam Ly được xây dựng vào năm 1959 và hoàn thành vào năm 1967, từ ý tưởng của linh mục người Pháp Boutary về một ngôi nhà chung của Chúa và Yàng. Những người tạo tác nên Nhà thờ Cam Ly đã thể hiện sự hội nhập văn hóa qua nghệ thuật kiến trúc khi thể hiện sự sùng bái chúa trời hòa nhập vào sự sùng bái Yàng. Bao trùm lên nhà thờ là mái nhà cao 17m sừng sững được kết từ 80 ngàn viên ngói lá (ngói liệt) có trọng lượng 90 tấn. Nhìn xa giống như lưỡi búa khổng lồ nằm vắt ngang trời, gợi lên hình ảnh dụng cụ lao động, vũ khí thô sơ gắn liền với đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Kết cấu chịu lực chính là khung cột bê tông cốt thép để trần không tô, tường lấp xây đá kiểu dày 40cm, cao 2m, bên trên là hàng kính màu. Cột cao 3m với kích thước 20 x 50cm được liên kết chặt chẽ với kết cấu đỡ mái hệ giàn kèo gỗ ghép vượt khẩu độ 12m trông thật ấn tượng. Để lợp mái nhà có độ dốc lớn như vậy, người ta đã cho đục lỗ vào gờ móc 80.000 viên ngói phẳng để luồn dây kẽm rồi buộc chặt ngói vào litô. Vẻ đẹp như in vào từng phiến đá, từng viên ngói rêu phong.

Mặt bằng nhà thờ hình chữ nhật đơn giản có diện tích 324m2, trong đó 1/3 diện tích dành cho cung thánh, 2/3 diện tích còn lại là nơi dành cho tín đồ cầu nguyện. Vách trong giáo đường được thiết kế bằng những bức tường lửng xây đá chẻ có độ cao 2m, trên đó lắp các cửa kính màu xanh, nâu, vàng. Không gian được soi sáng bởi ánh sáng huyền ảo từ các ô cửa kính màu hình vuông, hình tam giác tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Các khung cửa liền nhau được trang trí cách điệu với các hoa văn dân tộc độc đáo. Trên cung thánh có một bàn thờ dài 4m, rộng 1m được làm từ gỗ thông già. Dưới cây thánh giá, trên tường đá có gắn 3 chiếc sừng trâu (vật tế lễ thần linh của đồng bào), đầu hồi phía trên cao là lỗ thông gió cũng mang hình hoa văn dân tộc…

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, Nhà thờ Cam Ly vẫn giữ vẻ đẹp nguyên sơ của nó như buổi đầu mới xây dựng. Đến đây, bạn không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhà thờ, mà vẻ đẹp toát lên từ tấm lòng của các sơ, các dì đã dày công chăm sóc nuôi dạy bao thế hệ trẻ em dân tộc nghèo cũng làm bạn ấm lòng trong một chiều Đà Lạt.

  • Địa chỉ: 11 Nguyễn Khuyến, Phường 5, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng

Nhà thờ Tin lành

Đà Lạt – địa danh mà bất kể ai đặt chân đến dù chỉ một lần cũng lưu luyến không rời. Cũng chính vì thế mà nơi đây được đặt rất nhiều tên gọi: thành phố ngàn hoa, thành phố mộng mơ, xứ sở sương mù, xứ sở tình yêu… Đến với Đà Lạt là đến với vùng đất yên bình, nơi thiên nhiên và con người hòa quyện. Song không chỉ có thế, Đà Lạt còn nổi tiếng với những ngôi nhà thờ trong đó có Nhà thờ Tin Lành. Là điểm du lịch nổi tiếng về kiến trúc và cảnh quan, Nhà thờ Tin lành thu hút đông đảo du khách ghế qua khi đến du lịch ở thành phố Đà Lạt mộng mơ.

Nhà thờ Tin lành nằm trên một ngọn đồi với khung cảnh thanh bình, nên thơ. Với thiết kế mang đậm phong cách của các nhà thờ Châu Âu, có mái đôi hình tam giác cân và 2 cây thập giá tượng trưng cho đức tin gắn ở nóc nhà. Khi đến đây tham quan, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc và thiên nhiên mà còn cảm thấy lòng mình bình an vô cùng.

Chụp một bức hình làm kỉ niệm nơi Nhà thờ Tin lành là điều mà hầu hết du khách đều làm khi tới Đà Lạt. Dường như địa danh này đã trở thành thương hiệu, thành một biểu tượng khá nổi tiếng của mảnh đất du lịch nổi tiếng này.

  • Địa chỉ: Nguyễn Văn Trỗi, Phường 1, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng

Nhà thờ Tùng Lâm

Giáo xứ Tùng Lâm là một phần tử thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam. Giáo xứ có lịch sử phát triển lâu đời, được xây dựng cách đây hơn 60 năm và không ngừng đi lên, từ trùng tu kiến trúc đến việc chiêu mộ con chiên, hay những mặt khác cũng ngày càng trở nên hoàn thiện. 

Nhờ bao nhiêu nỗ lực của cha cũng như của đông đảo các cha phụ trách từ ngày xứ được thành lập, giáo xứ Tùng Lâm vừa mang sắc thái đáng quí của một xứ Dòng vừa gần gũi đồng hành với các xứ đạo khác trong giáo phận. Trong những năm qua, giáo xứ đã cống hiến cho Hội Thánh được 4 linh mục và 5 nữ tu. Và hiện tại, với con số 1000 giáo dân, giáo xứ Chúa Cứu Thế đang góp phần tích cực vào việc xây dựng Hội Thánh tại địa phương. Trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba, giáo xứ đang dự kiến xây cất một ngôi nhà thờ khang trang hơn.

Nhà thờ đã trải qua nhiều đời cha xứ, và với sự quyết tâm của mỗi Cha, giá xứ mới có được diện mạo tuyệt vời như ngày hôm nay.

  • Địa chỉ: Xô Viết Nghệ Tĩnh, P7, Tp. Đà Lạt,Lâm Đồng

Nhà thờ Thánh Mẫu Đà Lạt

Nhà thờ Thánh Mẫu Đà Lạt tọa lạc tại số 89 Thánh Mẫu, phường 7, thành phố Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng, được khánh thành vào Mùa xuân năm Giáp Thìn năm 1964, dưới tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm Câu chuyện đằng sau quá trình xây dựng và phát triển nhà thờ thành một điểm du lịch nổi tiếng như ngày nay không phải ai cũng biết đến.

Nơi đây trước kia là địa danh của giáo xứ nằm ở cây số 6 phía bên phải con đường đi Suối Vàng. Giáo xứ này xuất hiện vào mùa thu năm 1955, khi 1 nhóm đồng bào công giáo khoảng 400 người, đã mua lại mảnh đất này của để làm ăn sinh sống dưới sự hướng dẫn của cha Phêrô Mạnh Trọng Bích. Dù gặp nhiều khó khăn trong những năm tháng lập nghiệp, thế nhưng cha xứ và bà con giáo dân nơi đây không từ bỏ mà luôn cố gắng, nỗ lực để từng bước xây dựng ngôi nhà thờ của giáo xứ và kết quả là một công trình hoàn mỹ, ấn tượng như ngày nay.

Nhà thờ Thánh Mẫu Đà Lạt là một công trình kiên cố, vững chắc được xây dựng với tổng diện tích hơn 1200 m2, tọa lạc trên triền đồi cao, mang trong mình nét đặc trưng của kiến trúc cổ phương Tây, khiến công trình càng thêm nổi bật giữa nền xanh của núi đồi bao la, bát ngát, giữa bầu trời trong xanh, cao vời vợi.

Kiến trúc không quá cầu kỳ, không sở hữu những chi tiết trang trí rườm rà, nhà thờ Thánh Mẫu Đà Lạt ghi dấu ấn với gam màu hồng nhẹ nhàng, tươi mới, cùng điểm nhấn tháp chuông cao vút. Từng chi tiết tuy đơn giản nhưng lại mang trong mình nét cuốn hút riêng biệt. Cũng chính bởi lẽ đó mà du khách, nhất là giới trẻ khi đến tham quan nơi này luôn đắm chìm trong những bức hình “check in” cực ấn tượng.

  • Địa chỉ: Thánh Mẫu, Phường 7, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng

Nhà thờ Domaine de Marie

Đến với Đà Lạt, bên cạnh những địa điểm quen thuộc như hồ Xuân Hương, thung lung Tình Yêu, thác Prenn,… du khách chắc chắn không thể bỏ qua nhà thờ Domaine De Marie – Lãnh địa Đức Bà nằm trên con đường Ngô Quyền, chỉ cách trung tâm thành phố Đà Lạt 1km về phía Tây Nam. Nhà thờ Domaine De Marie được thiết kế xây dựng theo lối kiến trúc Châu Âu vào thế kỉ XVII kết hợp với một số kiến trúc dân gian Việt Nam – đây là kiểu kiến trúc độc đáo hơn bất cứ nhà thờ nào khác ở Đà Lạt tạo nên nét đặc sắc riêng không thể nhầm lẫn.

Tiền đình được thiết kế là một hình tam giác cân, trên đỉnh nhọn của nóc mái có gắn một cây thánh giá, phía trước được tô điểm bởi các cửa vòm nhỏ hình lưỡi mác. Chính giữa mặt đứng, phía gần đỉnh mái có một cửa sổ hoa hồng hình tròn. Chi tiết này thường xuất hiện trong các nhà thờ của Pháp cuối thế kỷ XVII. Hệ thống mái, có hình dáng tựa như nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Phần tường được xây bằng đá chẻ tới ngang bệ cửa sổ theo kiểu kiến trúc vùng Normandie (miền Bắc nước Pháp). Tường dưới mái xây khá dày và các cửa được thiết kế sâu vào bên trong, do đó ở mặt bên của công trình có thể nhận thấy rõ các mảng đặc – rỗng, sắc độ đậm nhạt – sáng tối, làm cho mặt bên của công trình càng thêm ấn tượng và độc đáo. Từ khi hoàn thành cho đến nay nhà thờ chỉ dùng vôi màu hồng đậm để quét tường, dưới ánh nắng, nhà thờ trở nên sáng rực nổi bật hẳn lên, như một phần bí ẩn mà lộng lẫy hoa lệ trong những câu chuyện cổ tích thần thoại.

Nhà thờ thời gian đầu xây dựng không có tháp chuông. Hiện tại nhà thờ đã có tháp chuông, tháp được đặt ở ngay phía sau ngôi chánh điện với quả chuông nhỏ. Phía sau nhà thờ là một quần thể kiến trúc được thiết kế theo kiểu hiện đại với ba dãy nhà 3 tầng của dòng Nữ tu Bác Ái, bao quanh vườn trong, tường quét vôi màu vàng, mái lợp ngói đỏ. Trong khuôn viên nhà thờ bạn có thể thấy rất nhiều loại hoa điểm nét màu sắc sinh động, đặc biệt là hoa Hải Tiên. Phía sau nhà thờ là một quần thể kiến trúc được thiết kế theo kiểu mới, càng làm tăng thêm vẽ uy nghi và trang nghiêm cho nhà thờ.

Nhà thờ có kiến trúc độc đáo nhờ sự giao thoa văn hóa trong việc kết hợp phong cách cổ điển của phương Tây và một phần kiến trúc dân gian của dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, nên hiện nay, nơi đây là một trong những địa điểm du lịch thu hút khách nhất tại Đà Lạt. Nếu bạn đang có ý định muốn đi du lịch Đà Lạt thì nhớ đừng bỏ qua kiến trúc có một không hai này nhé.

  • Địa chỉ: 1 Ngô Quyền, Phường 6, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng

Giáo xứ Thiện Lâm

Giáo xứ Thiện Lâm nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 2 cây số hứa hẹn là một điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt. Điều hấp dẫn đầu tiên của Giáo xứ Thiện Lâm đến từ lịch sử của nơi đây. Tiền thân của Giáo xứ Thiện Lâm là giáo họ Thánh Tâm, đầu tiên thuộc giáo xứ Thánh Mẫu. Năm 1975, Đức cha Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, quyết định nâng giáo họ này lên hàng giáo xứ và bổ nhiệm linh mục Giuse Trần Minh Tiến làm quản xứ. Xứ mới mang tên Thiện Lâm, ghép từ tên giáo xứ Đa Thiện và tên của Đức Giám mục Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, như một cách thể hiện tâm tình nhớ về cội nguồn.

Có lịch sử hơn 32 năm, hiện nay Giáo xứ là một điểm tham quan mang đậm nét cổ kính và dấu ấn đức tin. Đặc biệt là quần thể tượng đài, doanh nhân Việt Nam được sắp đặt vô cùng tinh tế, khéo léo trong khuôn viên giáo xứ. Chẳng hạn như: tượng thánh Phêrô, tượng thánh Phaolô, tượng Đức cha Cassaigne,tượng cha Đắc Lộ, thi sĩ Hàn Mặc Tử, tượng Chúa Giêsu trầm tư mặc tưởng ở hoang mạc,… Tất cả tạo nên không gian du lịch độc đáo, an lành cho du khách khi đến tham quan tại nơi này. Điều này khiến Giáo xứ Thiện Lâm vừa mang nét đẹp Châu Âu vừa mang nét rất Việt Nam.

Kiến trúc của Giáo xứ Thiện Lâm cũng là một điểm nhấn thú vị. Gồm 9 tầng vuông tròn chỉ trời và đất theo văn hóa Việt Nam. Mỗi tầng cách nhau 2, 5 mét, có ban công bao quanh, để du khách ngắm nhìn thành phố Đà Lạt xinh đẹp. Ở tầng 9, cao 36 mét, giữa trời bao la, lộng gió, người ta có thể nhìn thấy xa xa nhà thờ Chính tòa Đà Lạt, dãy nhà Ngũ hành của Đại học Đà Lạt, ngọn núi Langbian…

Nhìn từ xa, cảnh quan nhà thờ Thiện Lâm gợi lên khung cảnh hai đỉnh núi Langbiang thu nhỏ với nét đặc trưng chính của Đà Lạt trên cao nguyên Lâm Viên, nhờ hai nền mái đỏ cao nhô lên từ nền mái thấp của nhà thờ. Vào những ngày đẹp trời, người ta thấy rõ hơn hậu cảnh nổi bật là dãy núi Langbian. Tất cả như tạo nên bức tranh thiên nhiên hữu tình khiến cho du khách ra về mà lòng vẫn chút vấn vương khó tả.

  • Địa chỉ: 419A/23, Nguyên Tử Lực, Phường 8, Thành Phố Đà Lạt, Lâm Đồng

Nhà thờ Thánh Tâm

Đà Lạt không chỉ hớp hồn du khách bởi vẻ đẹp mộng mơ cùng sự thanh bình hiếm có mà nơi đây còn khiến du khách không thể rời mắt bởi nhiều công trình với lối kiến trúc đặc sắc. Trong đó phải kể đến Nhà thờ Thánh Tâm một điểm đến thú vị tại Đà Lạt mà bạn không nên bỏ lỡ khi đặt chân đến với xứ sở sương mù.


Nhà thờ/Giáo sở Thánh Tâm là một phần tử của Giáo xứ Chánh Tòa Đà Lạt, Giáo sở được bàn giao cho các Cha thuộc Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn trông coi và chăm sóc.

Thêm vào đó, đây cũng là Nhà chính của Tu hội truyền giáo Vinh Sơn (Phụ Tỉnh Việt Nam). Với kiến trúc hiện đại mang phong cách châu Âu, màu trắng trang nhã làm chủ đạo, giáo sở được đánh giá là một kiến trúc tuyệt vời không khuyết điểm. Nếu có dịp du lịch Đà Lạt, các bạn đừng quên tham quan Nhà Thờ Thánh Tâm này nha!

  • Địa chỉ: 40 Trần Phú, 4, tp. Đà Lạt, Lâm Đồng

Be the first to post a comment.

Add a comment